Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Trưởng Ban soạn thảo cho biết, Luật Hành chính công được xây dựng với mục đích trình Quốc hội xem xét thông qua một văn bản pháp lý có giá trị cao ở tầm luật để cùng với hệ thống pháp luật đã được ban hành thời gian qua nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII và các Nghị quyết hội nghị Ban chấp hành trung ương lần thứ 5, 6 (khóa XII) của Đảng; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quản lý hành chính nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính mà trọng tâm là thủ tục hành chính; đồng thời tăng cường, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý và cung ứng dịch vụ công, thực hiện xã hội hóa việc cung ứng dịch vụ công trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định rõ hơn mối quan hệ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công; góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; từng bước xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, công khai, minh bạch, có hiệu lực, hiệu quả; thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội bền vững, bảo đảm quốc phòng- an ninh và hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật Hành chính công được xây dựng với bố cục gồm có 5 chương, 45 điều, quy định thủ tục hành chính; dịch vụ công; mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Hành chính công. Ảnh: Quốc hội.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đánh giá cao sự tích cực, nỗ lực trong chuẩn bị hồ sơ dự án luật của Ban soạn thảo trong thời gian qua và cho rằng Ban soạn thảo đã hoàn thành được khối lượng lớn công việc.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định cho rằng, do khối lượng công việc quá lớn, đội ngũ giúp việc mỏng, quá trình soạn thảo đã gặp nhiều khó khăn; hơn nữa, mặc dù rất cố gắng, nhưng trong khoảng thời gian ngắn, việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Chính phủ để hoàn chỉnh dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tránh khỏi còn những hạn chế, nội dung tiếp thu chủ yếu mang tính kỹ thuật và còn nhiều vấn đề cần phải xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng. Nhiều quy định trong dự thảo Luật không bảo đảm tính khả thi, còn chung chung, mang tính nguyên tắc, chủ trương, định hướng, không thể áp dụng trực tiếp ngay được.

Bên cạnh đó, với hồ sơ dự án Luật Hành chính công được chuẩn bị như hiện nay và để bảo đảm tính tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành thì chỉ nên xây dựng dự án Luật này theo hướng quy định về cách thức xây dựng, ban hành, thực hiện, kiểm soát, đánh giá thủ tục hành chính, bao gồm cả dịch vụ hành chính công như là một công đoạn trong thực hiện thủ tục hành chính (có thể gọi là Luật về Thủ tục hành chính). Tuy nhiên, phương án xây dựng Luật về Thủ tục hành chính trước đây đã được Chính phủ đề nghị và Quốc hội đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ khóa XII nhưng sau đó Chính phủ đã xin rút.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự tâm huyết, nỗ lực của Ban soạn thảo dự án Luật và cá nhân Trưởng ban soạn thảo Trần Thị Quốc Khánh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục làm rõ căn cứ về tính khả thi, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật vì cho rằng dự án Luật còn nhiều điểm hạn chế như Báo cáo thẩm tra đã nêu và đặc biệt còn nhiều điểm trùng lắp. Các ý kiến cũng cho rằng hồ sơ dự án Luật vẫn còn nhiều hạn chế, cần phải được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, qua đó mới bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Để bảo đảm tính khả thi của luật, nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần đặc biệt quan tâm đến tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của Luật trong hệ thống pháp luật nói chung, không chồng chéo, tránh sự phá vỡ những quy định khác trong hệ thống pháp luật nói chung...

Đánh giá cao sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, khái niệm hành chính công có nội hàm rất lớn, phức tạp, nội dung cụ thể của hành chính công lại đang được điều chỉnh ở các đạo luật hiện hành... Do đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, sự thống nhất, đồng bộ, tính khả thi của dự án Luật này chưa đạt yêu cầu, còn chung chung; một số điều chỉ là luật hóa một số quy định trong các nghị định của Chính phủ và vẫn còn chung chung, thậm chí chưa cụ thể bằng các quy định trong nghị định. "Vì vậy, ý kiến cá nhân tôi cho rằng, dự án Luật vẫn chưa đủ điều kiện trình ra Quốc hội và chỉ nên dừng lại là một công trình nghiên cứu khoa học”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm.

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, khái niệm hành chính công là một khái niệm rất rộng; trong khi nội dung dự án Luật vẫn còn chung chung, tính khả thi, tính hợp lý của luật vẫn còn nhiều điều phải bàn luận; những tổng kết, đánh giá thực tiễn còn chưa đầy đủ;... Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị dừng dự án Luật Hành chính công ở góc độ của một công trình nghiên cứu khoa học, một tài liệu nghiên cứu, tham khảo có giá trị và đề nghị Ủy ban Pháp luật vẫn có báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội trên tinh thần rút dự án Luật này ra khỏi chương trình.

THẢO NGUYỄN