Thiếu tướng, PGS, TS Trần Vi Dân, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân và Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng biên tập Báo Công an nhân dân đồng chủ trì tọa đàm.
 |
Quang cảnh tọa đàm. |
Tại tọa đàm, các ý kiến tham luận tập trung vào một số vấn đề: Cách viết; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương trong việc cung cấp, trao đổi, xử lý thông tin, nhất là khi có các sự vụ, nhằm ngăn ngừa từ xa, định hướng dư luận, đấu tranh, phòng chống hiệu quả với luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Bên cạnh đó, các ý kiến tham luận cũng đề xuất một số giải pháp về chính sách đãi ngộ, cơ chế bảo vệ đội ngũ phóng viên, nhà báo làm công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên báo chí; chú trọng nâng cao chất lượng các bài viết cảnh báo trước những nguy cơ có thể xảy ra để kịp thời định hướng dư luận; hoạt động ngành và vấn đề đầu tư trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật, lực lượng chuyên trách; đa dạng hóa các loại hình đấu tranh gắn với phát huy hiệu quả hệ thống phương tiện truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin, hành lang pháp lý...
 |
Đại tá Phùng Kim Lân, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân phát biểu tại tọa đàm. |
Tham luận tại tọa đàm, ngoài trao đổi một số kinh nghiệm đấu tranh, Đại tá Phùng Kim Lân, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân cho rằng: Cần tăng cường vai trò của các cơ quan nghiên cứu chiến lược trong nhận định đánh giá, dự báo tình hình. Bởi kết quả từ các cơ quan nghiên cứu sẽ hỗ trợ, giúp các cơ quan báo chí nói chung và báo chí công an nói riêng chủ động hơn trong đấu tranh phản bác. Cùng với đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, báo chí nói chung và báo chí công an nói riêng cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt phương châm lấy “xây” để “chống”, lấy “cái đẹp”, dẹp “cái xấu”. Đồng chí Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân cũng nhấn mạnh thêm, các bài viết đấu tranh phản bác phải kịp thời, sắc bén, tính “bút chiến” và tính thuyết phục phải cao... Muốn đạt được yêu cầu đó ngoài vai trò của các nhà báo, các cây bút... rất cần có sự định hướng, chỉ đạo từ trên và việc cung cấp thông tin, tài liệu từ các cơ quan chức năng bảo đảm tính cập nhật, chính xác...
 |
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại tọa đàm. |
Kết luận tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Miên đánh giá cao và nhất trí với các ý kiến tham luận. Đồng chí Tổng biên tập Báo Công an nhân dân cũng lưu ý: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên báo chí Công an nhân dân, cần sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí trong và ngoài lực lượng trong việc cung cấp, xử lý và định hướng thông tin, định hướng dư luận; lãnh đạo các cơ quan báo chí cần nêu cao tính chủ động, có kế hoạch cụ thể trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác đấu tranh với các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; quan tâm đầu tư trang thiết bị và có chế độ, chính sách cũng như phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông, nhất là báo điện tử, báo hình; đồng thời mong nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các nhà khoa học, nhà báo, đội ngũ cộng tác viên, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên báo chí Công an nhân dân.
Tin, ảnh: HÀ KHÁNH