Phóng viên (PV): Ý nghĩa của việc sản xuất thành công vắc-xin phối hợp MR là gì thưa ông Nguyễn Đăng Hiền?
Ông Nguyễn Đăng Hiền: Trước hết, chúng tôi rất vui mừng vì đã sản xuất thành công vắc-xin phối hợp sởi-rubella, loại vắc-xin phòng hai bệnh sởi và rubella đã được Chính phủ đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) từ năm 2015. Đây là loại vắc-xin mà từ trước tới nay chúng ta phải nhập khẩu. Hiện tại, chúng tôi đang tập hợp chi phí để tính toán giá thành. Chúng tôi sẽ trình Bộ Y tế và Bộ Tài chính để phê duyệt giá bán vắc-xin. Dự kiến từ năm 2017, chúng tôi sẽ cung cấp vắc-xin MR cho thị trường. Chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên 756 đối tượng tại hai tỉnh Hà Nam và Hòa Bình từ 1-45 tuổi. Kết quả cho thấy, vắc-xin MR do POLYVAC sản xuất có tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch phòng bệnh tốt. Kết quả này đã được Hội đồng đạo đức Bộ Y tế đánh giá và Cục Khoa học công nghệ (Bộ Y tế) cấp giấy chứng nhận.
Vắc-xin MR sẽ được đưa vào Chương trình TCMR và tiêm miễn phí cho trẻ em. Vắc-xin sẽ được tiêm cho trẻ 1 liều duy nhất từ 18 tháng tuổi, phụ nữ dưới 45 tuổi chuẩn bị mang thai cũng được khuyến cáo nên tiêm vắc-xin MR trước một tháng để phòng bệnh sởi-rubella đề phòng nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Như tôi đã nói, chủ trương của Chính phủ là tự túc vắc-xin. Đáng tự hào là hiện nay, trong chương trình TCMR có 12 loại vắc-xin, Việt Nam đã sản xuất được 11 loại. Có thể nói, đây là bước tiến lớn, giúp chúng ta có thể chủ động nguồn cung ứng vắc-xin, đặc biệt là trong tình huống khẩn cấp.
Sản xuất vắc-xin MR tại POLYVAC.
PV: Ông có thể cho biết năng lực sản xuất vắc-xin MR của POLYVAC? Ngoài đáp ứng cho TCMR, thời gian tới, số lượng sản xuất của POLYVAC có thể đáp ứng cho tiêm dịch vụ và xuất khẩu?
Ông Nguyễn Đăng Hiền: Từ năm 2015, vắc-xin MR đã được Chính phủ đưa vào Chương trình TCMR, do đó, nhu cầu về vắc-xin này là rất cao. Hiện công suất của chúng tôi là 7,5 triệu liều/năm, bảo đảm đáp ứng được toàn bộ nhu cầu của Chương trình TCMR và tiêm chủng dịch vụ. Với nhu cầu trong nước hiện nay khoảng 3-4 triệu liều/năm, chúng tôi có thể xuất khẩu được, vì đây là vắc-xin theo tiêu chuẩn quốc tế (WHO-cGMP). Chúng tôi có thể cạnh tranh được với vắc-xin MR hiện có trên thị trường về giá cả và chất lượng.
PV: Thưa ông Arai Setsuo, là Giám đốc của dự án, điều ông mong mỏi nhất trong dự án chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin này là gì?
Ông Arai Setsuo: Điều tôi mong muốn nhất là đối tác nhận chuyển giao POLYVAC có khả năng sản xuất vắc-xin theo tiêu chuẩn thế giới trên cơ sở tuân thủ WHO-cGMP; khống chế bệnh sởi và bệnh rubella tại Việt Nam, góp phần cải thiện lĩnh vực y tế công cộng, từ đó thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Tôi đánh giá cao đối tác Việt Nam về hoạt động hợp tác chặt chẽ, tính kiên trì, có kế hoạch và tích cực, chủ động. Đây là những yếu tố hết sức quan trọng trong quá trình triển khai dự án. Ngoài ra, đối tác phía Việt Nam rất nhanh nhạy trong việc hiểu và nắm bắt các vấn đề. Tôi cho rằng, người dân Việt Nam nói chung đều rất ưu tú.
PV: Thưa ông, ngoài POLYVAC, các ông đã chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin MR cho những nước nào? Ông có đánh giá như thế nào về chất lượng vắc-xin MR do Việt Nam sản xuất?
Ông Arai Setsuo: Ngoài Việt Nam, cụ thể là POLYVAC, chúng tôi chưa chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin này cho bất cứ một quốc gia nào khác. Trong quá trình sản xuất, nếu POLYVAC tuân thủ những gì mà chúng tôi hướng dẫn và chuyển giao thì POLYVAC sẽ sản xuất được vắc-xin MR có chất lượng tiêu chuẩn hàng đầu thế giới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông Nguyễn Đăng Hiền và ông Arai Setsuo.
2015 là năm đáng ghi nhớ của ngành sản xuất vắc-xin Việt Nam khi được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp Chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin (NRA). Năm 2016, Việt Nam đã đánh dấu mốc quan trọng trên bản đồ các quốc gia sản xuất vắc-xin khi sản xuất được vắc-xin MR chất lượng cao ứng dụng công nghệ Nhật Bản. Việt Nam là 1 trong 25 quốc gia sản xuất được vắc-xin trên thế giới và là nước thứ 4 tại châu Á có thể sản xuất vắc-xin MR sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc. |
THU HƯƠNG (thực hiện)