Bộ Y tế cho biết, tính từ 16 giờ ngày 31-10 đến 16 giờ ngày 1-11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 5.598 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 5.595 ca ghi nhận trong nước (tăng 91 ca so với ngày trước đó) tại 49 tỉnh, thành phố (có 2.321 ca trong cộng đồng).

 

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP Hồ Chí Minh (927), Bình Dương (682), Đồng Nai (657), Kiên Giang (469), Bạc Liêu (382), An Giang (215), Sóc Trăng (194), Bình Thuận (167), Đắk Lắk (164), Tiền Giang (163), Tây Ninh (157), Cần Thơ (149), Bà Rịa - Vũng Tàu (109), Long An (100), Hà Giang (98), Đồng Tháp (89), Trà Vinh (72), Bình Phước (72), Phú Thọ (70), Cà Mau (68), Ninh Thuận (62), Hà Nội (57), Vĩnh Long (50), Bắc Ninh (50), Hậu Giang (47), Bến Tre (37), Thanh Hóa (34), Kon Tum (29), Lâm Đồng (25), Hà Nam (23), Thừa Thiên Huế (22), Nghệ An (22), Khánh Hòa (21), Gia Lai (18), Quảng Ngãi (14), Quảng Nam (14), Quảng Bình (13), Nam Định (10), Bình Định (9), Bắc Giang (9), Phú Yên (5), Thái Nguyên (4), Lào Cai (4), Hà Tĩnh (3), Vĩnh Phúc (3), Quảng Trị (2), Tuyên Quang (2), Thái Bình (1), Hòa Bình (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: An Giang giảm 127 ca, TP Hồ Chí Minh giảm 114 ca, Tiền Giang giảm 59 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Kiên Giang tăng 174 ca, Tây Ninh tăng 47 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 45 ca. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 4.871 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 923.451 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.408 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27-4 đến nay: Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 921.881 ca, trong đó có 819.248 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (433.069), Bình Dương (233.740), Đồng Nai (66.436), Long An (34.947), Tiền Giang (16.807).

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.731.Tổng số ca được điều trị khỏi: 822.065.Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.962 ca.

Từ 17 giờ 30 ngày 31-10 đến 17 giờ 30 ngày 1-11 ghi nhận 52 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (25), Bình Dương (11), Hòa Bình (4), Bạc Liêu (3), Đồng Nai (2), Cần Thơ (2), Cà Mau (1), Đồng Tháp (1), Ninh Thuận (1), Sóc Trăng (1), Tây Ninh (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 57 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.135 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 100.672 xét nghiệm cho 170.665 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27-4 đến nay đã thực hiện 22.305.493 mẫu cho 60.535.102 lượt người.

Trong ngày 31-10 có 553.475 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 81.929.875 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 57.332.644 liều, tiêm mũi 2 là 24.597.231 liều.

Hà Giang thêm 58 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng

Sở Y tế Hà Giang cho biết, trong 24 giờ qua, Hà Giang ghi nhận thêm 58 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm cộng đồng từ tối ngày 25-10 đến nay là 253 ca.

Ngày đầu tiên Hà Giang không ghi nhận số ca bị nhiễm Covid-19 trong khu cách ly là lao động từ các tỉnh phía Nam về.

Toàn tỉnh Hà Giang hiện có 929 ca nhiễm Covid-19, trong đó số ca trong khu cách ly là lao động từ các tỉnh phía Nam về là 676; số ca phát hiện trong cộng đồng là 253.

Số ca đang đang được điều trị, theo dõi là 868, trong đó: Điều trị tại bệnh viện là 213 ca; tại các khu cách ly là 414 ca; theo dõi tại nhà 241 ca.

Hiện các ca bệnh đang được theo dõi, cách ly, điều trị và tình trạng sức khỏe ổn định. Thời gian tới ngành y tế tiếp tục theo dõi sát tình trạng sức khỏe của các trường hợp F0, F1 cách ly y tế tại nhà theo quy định để có biện pháp triển khai các bước phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Sóc Trăng thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh từ lớp 10 đến lớp 12

Từ ngày 1-11, các trường Trung học Phổ thông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng bắt đầu thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh từ lớp 10 đến lớp 12, với số lượng gần 31.600 em.

Tại Trường Trung học Phổ thông Trần Văn Bảy (huyện Thạnh Trị), từ sáng sớm, học sinh đã có mặt ở điểm tiêm với tâm trạng phấn khởi vì được tiêm vắc xin phòng Covid-19 đồng nghĩa với việc các em sẽ chuẩn bị trở lại trường để học trực tiếp.

Tại các địa phương khác như Kế Sách, thị xã Vĩnh Châu, thành phố Sóc Trăng… từ sáng 1-11, học sinh của các trường Trung học Phổ thông cũng đã bắt đầu được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Các em được tiêm đã có mặt ở điểm tiêm theo đúng kế hoạch, khung giờ quy định, thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch khi đến điểm tiêm.

Theo đó, từ ngày 1 đến 5-11, tỉnh thực hiện tiêm mũi 1 cho trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi (học sinh lớp 10 đến lớp 12); từ ngày 26 đến 30-11, tiêm mũi 2 cho trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi. Từ ngày 1 đến 6-12, trẻ từ 12 đến dưới 16 tuổi (học sinh lớp 6 đến lớp 9) được tiêm mũi 1; từ ngày 26 – 30-12-2021, trẻ từ 12 đến dưới 16 tuổi được tiêm mũi 2. Quý I-2022, Sóc Trăng sẽ tiêm cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang được điều trị. Ảnh:Vietnam+ 

Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho thai phụ trong khu công nghiệp ở Cần Thơ

Chiều 31-10, TP Cần Thơ tổ chức tiêm vắc xin Pfizer ngừa Covid-19 mũi 1 cho thai phụ đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.

Tất cả thai phụ đến tiêm ngừa tại bệnh viện đều được test nhanh Covid-19 và khám thai theo đúng quy trình để đánh giá tình trạng sức khỏe. Sau khi tiêm, thai phụ được bác sĩ tư vấn các lịch khám thai tiếp theo, thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Theo thống kê của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, đến cuối tháng 10-2021 có khoảng 1.000 lao động nữ đang mang thai chưa được tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Trong 24 giờ qua, Cần Thơ ghi nhận 282 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, trong đó có 26 ca ngoài thành phố. Số ca nhiễm Covid-19 ở Cần Thơ từ ngày 8-7 đến nay là 7.650 ca.

Trong số ca mắc mới, 98 có ca cách ly tại nhà, 137 ca trong khu cách ly, 29 ca ở khu phong tỏa và 18 ca tầm soát ở cơ sở y tế.

Quảng Ngãi: Ghi nhận 14 ca dương tính

Chiều 1-11, Sở Y tế Quảng Ngãi thông báo, ghi nhận thêm 14 ca dương tính với virus SARS-CoV-2.

Liên quan đến ca bệnh cộng đồng ở thôn Thanh An, xã Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi) được công bố vào chiều 31-10, ngành y tế ghi nhận thêm 3 người trong cùng gia đình với bệnh nhân đều mắc Covid-19, gồm bố, em gái và cháu.

Sáng cùng ngày, Sở Y tế ghi nhận 8 người về từ vùng dịch dương tính với virus SARS-CoV-2, gồm 1 ca ở thôn Nhơn Hòa 1, xã Bình Tân Phú (Bình Sơn); 4 ca ở thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ) và 3 ca là lái xe về từ TP Hồ Chí Minh, được phát hiện mắc Covid-19 qua lấy mẫu sàng lọc tại chốt kiểm tra y tế đèo Bình Đê.

Từ ngày 26-6 đến nay, Quảng Ngãi ghi nhận 1.625 ca Covid-19.

5 quận ở TP Hồ Chí Minh giảm cấp độ dịch Covid-19 so với tuần trước

Toàn TP Hồ Chí Minh có nguy cơ dịch Covid-19 trung bình. Trong đó, 9 quận, huyện đạt mức độ nguy cơ thấp, 13 quận huyện nguy cơ trung bình. 5 quận giảm cấp độ so với tuần trước là các quận 5, 6, Bình Tân, Tân Bình và Tân Phú.

Ngày 1-11, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có báo cáo đánh giá cấp độ dịch Covid-19 của TP tuần lễ từ 22-10 đến 28-10 gửi UBND TP Hồ Chí Minh. Theo đó, TP Hồ Chí Minh đánh trên toàn địa bàn thành phố là nguy cơ trung bình (cấp độ 2).

Đối với cấp quận, huyện và TP Thủ Đức, Sở Y tế đánh giá có 13 quận, huyện đạt cấp độ 1 (nguy cơ thấp); 9 quận, huyện đạt cấp 2 (nguy cơ trung bình). Cụ thể: Q.1, 4, 5, 6, 7, 8, 10, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú...

Các quận huyện đạt cấp độ 2: Q.3, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Tân, Bình Thạnh, H.Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè.

5 quận giảm cấp độ so với tuần trước là: Q.5, 6, Bình Tân, Tân Bình và Tân Phú.

Cấp phường, xã, có 207 phường, xã đạt cấp 1 (nguy cơ thấp); 101 phường, xã đạt cấp 2 (nguy cơ trung bình); 4 phường, xã đạt cấp 3 (nguy cơ cao).

Trong tuần trước đó, toàn TP Hồ Chí Minh đánh giá cấp độ 2 - nguy cơ trung bình. Đối với 21 quận, huyện và TP Thủ Đức, có 9 địa phương đạt cấp độ 1 (xanh - nguy cơ thấp); 12 địa phương đạt cấp độ 2 và 1 địa phương đạt cấp độ 3 (cam - nguy cơ cao).

Đồng Nai ghi nhận gần 170 ca mắc trong cộng đồng

Theo Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai, trong vòng một tuần qua, trung bình mỗi ngày, tỉnh ghi nhận gần 170 ca mắc trong cộng đồng. Con số này cao hơn hàng trăm lần so với các tuần trước đó.

Hiện trung bình mỗi ngày, Đồng Nai ghi nhận gần 700 ca mắc Covid-19, trong đó số ca phát hiện tại cộng đồng chiếm hơn 25%, còn lại là ở các khu cách ly, phong tỏa. Thời gian trước, hầu hết ca mắc trong cộng đồng chỉ xuất hiện tại một số huyện, thành phố, song những ngày gần đây, ghi nhận các ca mắc ở 11/11 huyện, thành phố của tỉnh. Ca bệnh phát hiện tại cộng đồng tập trung ở các địa phương công nghiệp phát triển, nhiều công nhân sinh sống như: thành phố Biên Hòa, các huyện Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu. Hầu hết ổ dịch có liên quan đến người lao động tại một số doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực may mặc, giày da. Ngoài ra, có nhiều trường hợp chưa rõ nguồn lây.

Đa số ca mắc trong cộng đồng ở Đồng Nai là người trên 18 tuổi đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19, có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Nguyên nhân ca mắc trong cộng đồng tăng cao là do nhiều người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, không thực hiện nghiêm 5K. Không ít trường hợp ra đường nhưng không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

Đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 2,6 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19, trong đó có trên 1,4 triệu người tiêm đủ 2 liều, đạt gần 60%. Dù hầu hết người dân trong độ tuổi ở Đồng Nai đã được tiêm vắc xin, song do hiện nay tỉnh đã trở lại trạng thái "bình thường mới", nguy cơ dịch Covid-19 lây lan là rất lớn nếu người dân lơ là, chủ quan trong phòng dịch. Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường kiểm tra, xử phạt trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch, nhất là vi phạm quy định 5K.

Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục

Chiều 1-11, GS,TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế và PGS,TS Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng chủ trì buổi làm việc giữa hai bộ về công tác phối hợp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục khi mở cửa hoạt động.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe đại diện Bộ GD&ĐT trình bày tóm tắt các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho học sinh, sinh viên khi tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục; đồng thời thảo luận về công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch khi tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục cũng như kế hoạch về triển khai tiêm vaccine cho học sinh từ 12-17 tuổi, công tác phối hợp đảm bảo an toàn cho học sinh khi thực hiện tiêm chủng, trách nhiệm của cơ sở giáo dục, gia đình học sinh…

Thông tin tại buổi làm việc cho biết hiện có 22 tỉnh, thành phố đang thực hiện dạy học trực tiếp; 16 tỉnh, thành phố kết hợp giữa dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; 25 tỉnh, thành phố thực hiện dạy trực tuyến và qua truyền hình.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao sự phối hợp của 2 Bộ Y tế và Giáo dục và Đào tạo trong công tác đào tạo, chăm sóc sức khoẻ học sinh, sinh viên cũng như các hoạt động mang tính cộng đồng thiết thực bảo vệ sức khoẻ của người dân.

GS,TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế và PGS,TS Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng chủ trì buổi làm việc giữa hai bộ về công tác phối hợp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Ảnh: Trần Minh

 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc để học sinh, sinh viên trở lại trường là nhu cầu chính đáng, do đó các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là UBND các tỉnh, thành phố cần phải coi đó là việc quan trọng, tạo điều kiện tối đa cho học sinh, sinh viên đến trường đảm bảo an toàn.

Tại cuộc họp lãnh đạo hai Bộ đã trao đổi và thống nhất nên sớm rà soát, bổ sung hướng dẫn “Sổ tay về phòng chống Covid-19 trong trường học” để tổ chức tập huấn cho hệ thống trường học toàn quốc các kỹ năng về dự phòng, quản lý, chăm sóc và phòng chống Covid-19 để “mỗi giáo viên trở thành một cán bộ y tế tại trường học”.

Hai Bộ trưởng nhất trí hai Bộ sẽ cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe trong trường học khi học sinh, sinh viên trở lại trường, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128. Đồng thời, thúc đẩy các địa phương ứng xử phù hợp với mở cửa trường học ở từng xã, phường tương đương với các cấp độ kiểm soát dịch bệnh.

GIA KHÁNH