Đảng, Nhà nước, người dân luôn luôn dành sự quan tâm đặc biệt, những điều tốt đẹp nhất để các em được phát triển đầy đủ, toàn diện cả về trí tuệ, tinh thần, thể chất. Vì vậy, tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi là vấn đề hết sức quan trọng, được cả xã hội quan tâm, chú ý.

Việc thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay đã giúp Việt Nam ứng phó, kiềm chế, kiểm soát được dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Có thể nói, hầu hết hoạt động kinh tế-xã hội trên cả nước đang từng bước trở lại trạng thái bình thường mới khi những biện pháp hạn chế, kiểm soát đi lại được dỡ bỏ.

leftcenterrightdel
  Các em học sinh Trường Tiểu học-THCS Sùng Đô (Yên Bái) trở lại trường học trực tiếp. Ảnh: ĐẶNG THU HÀ

Tuy nhiên, để cả nước thực sự chuyển sang trạng thái bình thường mới, việc hoàn thành tiêm chủng cho hơn 10 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi rất quan trọng. Chính phủ đã quyết định mua hơn 20 triệu liều vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiêm chủng cho hơn 10 triệu trẻ em trong độ tuổi này. Và đây sẽ là “mảnh ghép” cuối cùng để chúng ta thực sự có miễn dịch cộng đồng, trở lại cuộc sống bình thường mới, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Theo thông tin của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới, hiện có tới hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Tại Việt Nam, các chuyên gia dịch tễ cho rằng, tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi không thể nóng vội, phải đi từng bước chắc chắn, bảo đảm an toàn tối đa cho trẻ.

Trước thực tế còn nhiều phụ huynh lo lắng và băn khoăn việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi, PGS, TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nhận định: “Đứng trước một mũi tiêm dành cho trẻ em, chúng ta đều lo lắng. Không chỉ ở các bậc phụ huynh mà cả chúng ta. Với nhóm trẻ ít tuổi hơn, có sự đặc biệt hơn về thể chất, về tinh thần, sự lo ngại của cha mẹ cũng nhiều hơn. Chúng ta cần phải quan tâm, đều phải đọc tài liệu để tiếp cận, để tư vấn được tốt cho các ông bố, bà mẹ và cũng chỉ định được vaccine này cho trẻ em”.

PGS, TS Nguyễn Minh Điển giải thích thêm: “Các bậc phụ huynh lo ngại có phản ứng lâu dài hay không? Có cả những câu hỏi về sinh sản, di truyền. Đây là vấn đề cần hiểu đầy đủ; bản chất của vaccine này là các thành phần RNA thông tin-khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus. Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng. Những ảnh hưởng ngay lập tức 5-7-10 ngày sau tiêm không nên lo ngại vì cũng giống như các loại vaccine tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn”.

Theo PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, ban đầu số lượng phụ huynh chấp nhận tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi chỉ khoảng 70%. Nhưng khi tiêm cho trẻ ở độ tuổi này thành công thì tỷ lệ trẻ được tiêm chủng tăng rất cao. Từ kinh nghiệm đó thấy rằng công tác tổ chức tiêm chủng là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, PGS, TS Dương Thị Hồng cũng khẳng định, mặc dù kinh nghiệm đã có nhưng đối với trẻ em 5-11 tuổi thì vaccine ngừa Covid-19 vẫn là một vaccine mới, cán bộ y tế cũng phải học nghiêm túc, tập huấn lại để có thao tác thực hành tiêm chủng an toàn, xử trí phản ứng sau tiêm. “Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục báo cáo với Bộ Y tế và duy trì cách thức tổ chức như các chiến dịch trước, đặc biệt là công tác cấp cứu và xử trí phản ứng sau tiêm. Công tác trực cấp cứu 24/24 giờ sau những đợt tiêm chủng là vô cùng quan trọng. Còn việc cung ứng vaccine thì chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ cố gắng bảo đảm cung ứng vaccine với chất lượng tốt nhất tới tất cả các điểm tiêm chủng trên toàn quốc”, PGS, TS Dương Thị Hồng thông tin.

Đồng tình với ý kiến của PGS, TS Dương Thị Hồng, PGS, TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, trong cuộc chiến với Covid-19, vaccine là vũ khí quan trọng. Do đó, để tiêm cho trẻ thì kế hoạch tiêm phải kỹ càng, thận trọng, chu đáo. Trước hết phải tạo sự đồng thuận cho các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và học sinh; thấy rõ lợi ích của tiêm vaccine cao hơn nhiều so với không tiêm để lại những biến chứng khi mắc Covid-19 rất nguy hiểm. Chỉ còn 10% trẻ chưa tiêm sẽ trở thành yếu thế và nguy cơ mắc Covid-19 rất cao; do đó, phải giải thích cụ thể cho phụ huynh yên tâm và có kế hoạch tiêm cụ thể, thận trọng.

HÀ VŨ