Trước thông tin này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam và thế giới đều cho rằng, đó là các số liệu chưa có cơ sở khoa học và chưa cụ thể. Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài việc thực hiện quan hệ tình dục an toàn thì tiêm phòng vắc-xin HPV chính là biện pháp an toàn, hiệu quả để phòng bệnh ung thư cổ tử cung.
Theo các chuyên gia, nếu không chủng ngừa, đa số những người đang có hoạt động tình dục sẽ nhiễm HPV trong cuộc đời. UTCTC không xảy ra đột ngột mà âm thầm trải qua các giai đoạn từ lúc nhiễm HPV, gây nên những biến đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung, các tổn thương tiền ung thư rồi đến ung thư, kéo dài khoảng từ 10 đến 15 năm. Trong giai đoạn tiền ung thư, người phụ nữ hầu như không có triệu chứng gì, do đó không thể nhận biết đã mắc bệnh nếu không đi khám phụ khoa. Chủ tịch Hội Y học dự phòng Việt Nam Nguyễn Trần Hiển, Nguyên viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chia sẻ: Mỗi năm có khoảng 490.000 phụ nữ trên thế giới mắc UTCTC, gây tử vong cho khoảng 270.000 người. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 5.300 ca mắc phải và 2.500 ca tử vong mỗi năm do căn bệnh này. Trong số các nguyên nhân gây bệnh, HPV là nguyên nhân hàng đầu. Vi-rút này có hơn 100 chủng được mô tả, trong đó 13 chủng có nguy cơ cao.
Bác sĩ Lưu Văn Minh, Trưởng khoa Xạ 2, Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Ung thư cổ tử cung có nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do virus HPV (Human Papilloma Virus) lây từ người khác và khu trú trong cơ thể, Tuýp thường gặp là 16, 18, 31, 33, 45, chiếm tới 90% nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung. Tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, hằng năm tiếp nhận và điều trị khoảng 2.000 trường hợp. Khi phát bệnh, bệnh tiến triển rất nhanh và gây nhiều nguy cơ, thiệt hại về nhiều mặt trong quá trình điều trị. Do bệnh phát triển âm thầm, không có triệu chứng gì nên nếu không tầm soát định kỳ thì bệnh nhân không phát hiện được. Khi để bệnh tiến triển đến giai đoạn 3 và 4 sẽ dẫn đến tỷ lệ tử vong khoảng trên dưới 50%. Do đó, để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, đối với phụ nữ khi đã quan hệ tình dục, chị em nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần. Nên tiêm ngừa vaccine chống ung thư cổ tử cung trong độ tuổi quy định (9-26 tuổi), cần tiêm đủ 3 mũi vắc-xin HPV trong vòng 6 tháng để phòng ngừa và giảm nguy cơ mắc bệnh. Nữ giới trong độ tuổi từ 9-10 đến 25-26 tuổi, chưa hoặc đã có quan hệ tình dục đều có thể tiêm ngừa. Nếu phụ nữ có các dấu hiệu bất thường thì phải đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, xét nghiệm sớm. Cần chung thủy 1 vợ 1 chồng và quan hệ tình dục an toàn. Đồng thời cần thực hiện, kế hoạch hóa gia đình, không đẻ nhiều con và tránh xa thuốc lá, các chất kích thích.
Mới đây, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) - Cơ quan luôn tập hợp và phân tích các trường hợp người tiêm chủng gặp phản ứng phụ sau khi sử dụng các loại thuốc, vắc-xin, thực phẩm... đã công bố kết luận một số trường hợp phản ánh về phản ứng phụ đều có nguyên nhân không liên quan với vắc-xin HPV. Một nghiên cứu gần đây của Tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada đã nêu rằng: Tiêm chủng HPV có hiệu quả cao trong việc làm giảm các tế bào cổ tử cung bất thường, đặc biệt là chống lại các tổn thương di chứng cao có tiềm năng để trở thành ung thư sau này. Vắc-xin này là kết quả của hơn 10 năm nghiên cứu và phát triển, được chứng minh về độ an toàn bởi các cơ quan y tế hàng đầu. Kể từ khi vắc-xin HPV được phê duyệt vào tháng 6-2006 tại Hoa Kỳ, hơn 144 triệu liều đã được phân phối trên toàn cầu. Các dữ liệu lâm sàng chứng nhận hiệu quả của loại vắc-xin đã được kiểm định và phê duyệt tại hơn 140 quốc gia.
LINH GIANG