Bác sĩ Phan Thị Hải cho biết, tăng thuế thuốc lá sẽ giúp đạt mục tiêu kép về giảm tỷ lệ sử dụng, giảm bệnh tật và tử vong, đồng thời giúp tăng cho ngân sách nhà nước.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tăng thuế và giá thuốc lá là giải pháp quan trọng, đóng góp khoảng 60% hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Khi tăng thuế để giá tăng 10% thì sẽ giảm tiêu dùng khoảng 4% đến 5%. Đặc biệt, có thể giảm tới 10% hoặc hơn ở trẻ em và người nghèo. 

Bác sĩ Phan Thị Hải, Phó giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cho biết, tăng thuế thuốc lá sẽ giúp đạt mục tiêu kép. 

Việt Nam hiện nằm trong số 15 quốc gia có số người hút thuốc cao nhất thế giới. Các số liệu thống kê cho thấy, năm 2021, tỷ lệ hút thuốc trong dân số là 20,8%, trong đó tỷ lệ hút thuốc trong nam giới là hơn 41%. Phần lớn số người hút thuốc ở Việt Nam trong nhóm tuổi từ 15 đến 55, là lực lượng lao động chính trong xã hội. 

Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do là bệnh không lây nhiễm. Khói thuốc chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có ít nhất 69 chất gây ung thư. Phụ nữ và trẻ em khi sử dụng hay tiếp xúc thụ động với khói thuốc có thể có các nguy cơ như: Sảy thai, sinh non, thai chết lưu, trẻ em sinh ra có thể bị nhẹ cân, chậm phát triển trí tuệ. Trẻ em hít phải khói thuốc thụ động sẽ dễ mắc viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn. Sử dụng thuốc lá có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển bộ não của trẻ vị thành niên. 

Với hơn 15 triệu người Việt Nam hút thuốc hiện nay, việc sử dụng thuốc lá đang gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm đáng kể và ngày càng tăng. Ước tính mỗi năm có hơn 100.000 ca tử vong do các bệnh gây ra từ hút thuốc lá chủ động và tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.

Quang cảnh hội thảo.

Trong khi đó, thuế thuốc lá ở Việt Nam hiện nằm trong nhóm thấp nhất thế giới. Tính theo giá bán lẻ, tỷ lệ thuế thuốc lá của Việt Nam mới đạt 36%, thấp hơn khuyến nghị 70-75% của WHO và nhiều nước trong khu vực như Thái Lan (78,6%), Philippines (71,3%) hay Singapore (67,5%). 

"Mức thuế 75% hiện hành mới chỉ tính trên giá xuất xưởng. Ví dụ, với một bao thuốc bán lẻ 10.000 đồng, giá xuất xưởng chỉ khoảng 3.900 đồng. Việc tăng thêm 5% thuế tương đương mức tăng giá chưa tới 300 đồng (3%), thấp hơn tỷ lệ lạm phát (4%) và tăng thu nhập (5%). Do đó, việc điều chỉnh này gần như không ảnh hưởng đến thói quen hút thuốc", bác sĩ Phan Thị Hải cho biết.

Để tăng hiệu quả kiểm soát tiêu dùng thuốc lá, Việt Nam cần nhanh chóng điều chỉnh chính sách thuế theo hướng đánh thuế tuyệt đối, xây dựng giá sàn và tăng mức thuế tối thiểu. WHO và Bộ Y tế đề xuất bổ sung thuế tuyệt đối với mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026, tăng lên 15.000 đồng/bao vào năm 2030.

Tin, ảnh: AN AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.