Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Hội Dược học Việt Nam tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, Luật Dược được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 6-4-2016, thay thế Luật Dược năm 2005, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về ngành Dược tại Việt Nam.

 Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Sau hơn 8 năm triển khai thi hành Luật, thông qua các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật về dược đã được ban hành, ngành Dược đã góp phần vào công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, trước yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về dược đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Trước thực tế đó, Quốc hội khóa XV đã đưa việc sửa đổi Luật Dược vào chương trình xây dựng Luật.

PGS, TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã bảo đảm quyền của người dân được tiếp cận, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả. Đồng thời, bảo đảm các chính sách phát triển công nghiệp dược, quản lý hoạt động sản xuất-kinh doanh thuốc, chất lượng thuốc và giá thuốc có hiệu quả, để người dân có thể tiếp cận với thuốc tốt, giá cả phù hợp.

 Quang cảnh Hội thảo góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

PGS, TS Lê Văn Truyền đề nghị, dự thảo Luật cần có một chương riêng về "Cơ quan quản lý dược của Việt Nam", quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Cùng với đó, cần nghiên cứu, học hỏi mô hình Cơ quan quản lý Thực phẩm - Dược phẩm phổ biến trên thế giới, như: US-FDA (Hoa Kỳ), K-FDA (Hàn Quốc), C-FDA (Trung Quốc)...

Chia sẻ quan điểm về việc bán thuốc qua thương mại điện tử, ông Nguyễn Thế Tin, Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam cho rằng, hoạt động này cần được kiểm soát chặt chẽ. Mục tiêu đặt ra là người dân mua được thuốc dễ dàng và an toàn, bảo đảm có đơn của bác sĩ, được tư vấn đầy dủ, đúng người, đúng bệnh, theo dõi được phản ứng của thuốc… Do đó, ông Nguyễn Thế Tin đề nghị, dự thảo Luật có quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn về phương thức kinh doanh mới này.

Tin, ảnh: LA DUY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.