Sẵn sàng trực Tết
Những ngày Tết cận kề, bên cạnh công việc chuyên môn hằng ngày, lãnh đạo Bệnh viện E đã ban hành kế hoạch, lịch trực Tết của các điều dưỡng viên, bác sĩ để chăm sóc, điều trị bệnh nhân nặng không thể về nhà có một cái Tết ấm áp ngay tại bệnh viện. Công tác chuyên môn, khám, chữa bệnh của nhân viên y tế trong 5 ngày nghỉ Tết cũng được bảo đảm để không một bệnh nhân nào bị từ chối điều trị, khám bệnh.
Theo thông tin từ Bệnh viện E, năm nay, bệnh viện bố trí khoảng 120-150 cán bộ trực Tết, bảo đảm công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh phục vụ người bệnh và an ninh trật tự tại bệnh viện. Cơ số trực có cả bác sĩ, điều dưỡng viên được tăng cường gấp 3-5 lần cho các khoa trọng điểm như: Khoa Cấp cứu ban đầu, Hồi sức tích cực, Sản phụ khoa, Bệnh nhiệt đới (đề phòng khi có ngộ độc tập thể)… Ca trực với 3 bác sĩ nội, 5 bác sĩ ngoại và các điều dưỡng viên nhằm cấp cứu bệnh nhân kịp thời 24/24 giờ. Khoa Dược chuẩn bị, dự trù cung cấp cơ số thuốc cấp cứu và điều trị trong dịp Tết. Ngoài ra, bệnh viện cũng chuẩn bị đầy đủ máu, các chế phẩm của máu, các trang thiết bị khác như: Điện, nước, xe vận chuyển bệnh nhân nội viện, đội trực xe cứu thương, bảo đảm thông tin thông suốt, hệ thống mạng nội bộ hoạt động tốt, bảo đảm việc thu viện phí, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự… sẵn sàng phục vụ bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, theo kinh nghiệm, Mồng Ba Tết trở đi là thời điểm lượng bệnh nhân cấp cứu khá đông. Bệnh viện trực 24/24 giờ; nhiều khoa, trung tâm không có Tết như Khoa Cấp cứu, Khoa Thận nhân tạo, Trung tâm Chống độc… Dịp Tết, mỗi ngày tại bệnh viện có khoảng 350 nhân viên y tế trực cấp cứu và khám, điều trị cho bệnh nhân, bảo đảm tất cả bệnh nhân cấp cứu được khám, điều trị kịp thời; không để xảy ra tình trạng từ chối hoặc xử trí chậm trễ khi cấp cứu bệnh nhân. Bệnh viện cũng đã có biện pháp bảo đảm phòng, chống rét cho bệnh nhân nếu có rét đậm, rét hại. Bệnh viện đã tăng thêm 4 điểm khám, dự trù đầy đủ thuốc, vật tư y tế tiêu hao… bảo đảm phục vụ, tuyệt đối không để bệnh nhân phải mua thuốc bên ngoài. Bên cạnh đó, bệnh viện sẽ tổ chức ăn Tết miễn phí trong 3 ngày, từ ngày Ba Mươi đến Mồng Hai Tết. Ngoài ra, vào ngày Ba Mươi Tết, lãnh đạo bệnh viện sẽ đi chúc Tết các khoa, phòng có bệnh nhân nặng không thể ra viện. Hiện Bệnh viện Bạch Mai dự kiến có hơn 500 bệnh nhân ăn Tết tại bệnh viện.
Còn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, là bệnh viện thường có nhiều bệnh nhân cấp cứu nặng do tai nạn giao thông nên hệ thống trực cấp cứu và phòng phẫu thuật của bệnh viện thường xuyên trong tình trạng “quá tải”. Chia sẻ với chúng tôi, GS, TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, như mọi năm, bệnh viện thường xuyên có kế hoạch điều động lực lượng bác sĩ, điều dưỡng viên ứng trực 24/24 giờ… Trung bình mỗi ngày trong dịp nghỉ lễ có khoảng 400 cán bộ, nhân viên, trong đó có khoảng 30 bác sĩ trực tại bệnh viện; 5 phòng phẫu thuật luôn sẵn sàng; trường hợp số lượng bệnh nhân cần phẫu thuật cùng thời điểm lớn, bệnh viện vẫn có thể bảo đảm. Giám đốc Trần Bình Giang chia sẻ thêm: “Trong 3 ngày Tết năm 2016, bệnh viện phải tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân đến khám cấp cứu, trong đó 60% là do tai nạn giao thông; 2/3 trong số đó bị chấn thương sọ não nguy kịch. Đa số bệnh nhân nhập viện do tai nạn đều có sử dụng rượu, bia, nhất là tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm. Do vậy, rất mong mọi người đừng ỷ lại vào tư tưởng ngày Tết nên không tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn giao thông, thiệt mình, lại gây hại cho người khác”.
Tổ chức trực đầy đủ theo 4 cấp
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, để bảo đảm tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong dịp Tết, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã đề nghị các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan y tế các bộ, ngành phải có kế hoạch bảo đảm công tác điều trị, phục vụ người bệnh và an ninh trật tự trong các cơ sở khám, chữa bệnh; trực theo 4 cấp: Trực lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng, trực chuyên môn, trực hành chính-hậu cần và trực bảo vệ-tự vệ. Danh sách cán bộ trực phải được niêm yết tại các khoa, phòng. Xây dựng kế hoạch về phòng, chống cháy nổ, thảm họa, tai nạn hàng loạt; phòng, chống rét cho người bệnh; hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, tham vấn về chuyên môn khi cần thiết. Chủ động đối phó với dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra, có phương án thường trực, dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hóa chất, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, bảo đảm tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị, cách ly người bệnh theo đúng các hướng dẫn hiện hành về phòng, chống dịch.
Các đơn vị y tế phải tổ chức tốt việc cấp cứu, khám, chữa bệnh cho người bệnh, dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền, các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám, chữa bệnh; bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám, điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Trường hợp trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà của người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác. Tổ chức thăm hỏi, đón Tết cho người bệnh còn điều trị tại bệnh viện trong dịp Tết; chú ý người bệnh nghèo, người bệnh thuộc đối tượng chính sách. Đặc biệt phải nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, giao tiếp, ứng xử ân cần, hòa nhã; thực hiện đúng các quy định liên quan và các quy trình chuyên môn kỹ thuật; công tác thông tin báo cáo tình hình cấp cứu, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, ngộ độc trong dịp Tết theo hệ thống báo cáo trực tuyến của Cục Quản lý khám, chữa bệnh. Các bệnh viện có nhiệm vụ phân công cán bộ bệnh viện thường trực lãnh đạo, chuyên môn, báo cáo số liệu hằng ngày; danh sách cán bộ thường trực báo cáo số liệu kèm theo số điện thoại di động, email, cập nhật trực tiếp trên phần mềm báo cáo trực tuyến; báo cáo hằng ngày tình hình khám, chữa bệnh cấp cứu, tai nạn, ngộ độc... về cơ quan quản lý cấp trên theo mẫu tại cổng báo cáo trực tuyến khám, chữa bệnh.
DIỆP CHÂU