 |
Cần kiểm soát việc bán kháng sinh không đơn để ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Ảnh: THU HƯƠNG |
Kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các cơ sở bán lẻ thuốc ở vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy, kháng sinh đóng góp 13,4% (ở thành thị) và 18,7% (ở nông thôn) trong tổng số doanh thu của các cơ sở bán lẻ thuốc. Mặc dù vậy, nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp, đặc biệt ở vùng nông thôn. Việc sử dụng kháng sinh rộng rãi, kéo dài, lạm dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng, chống dịch bệnh trên động vật cũng như cho mục đích sản xuất đang trở nên phổ biến. Điều này đã làm cho các vi khuẩn thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, làm cho thuốc kém hoặc không hiệu quả. Trong khi đó, thuốc kháng sinh được bán mà không có đơn chiếm tỷ lệ 88% ở thành thị và 91% ở nông thôn.
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) chỉ ra một số tồn tại và hạn chế trong việc phòng, chống kháng thuốc, như: Năng lực của hệ thống xét nghiệm vi sinh còn yếu (cả về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất), chưa hỗ trợ được cho bác sĩ trong việc chẩn đoán cũng như chỉ định sử dụng kháng sinh; chất lượng kháng sinh lưu thông trên thị trường chưa được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc xử phạt nhà thuốc về mua và bán kháng sinh không đơn còn khó khăn, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe (theo quy định đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng; đối với hành vi kê đơn thuốc không ghi đầy đủ, rõ ràng, không chính xác trong đơn bị xử phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng).
Nhằm giải quyết tận gốc tình trạng kháng thuốc kháng sinh, theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, cần phải có một ban chỉ đạo của Chính phủ do phó thủ tướng là trưởng ban thì mới đẩy mạnh được sự phối hợp hoạt động của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, huy động sự tham gia của các bộ, ngành, hiệp hội chuyên môn nghề nghiệp vào cuộc như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo bác sĩ vi sinh tại các trường đại học, các cơ sở đào tạo; xây dựng lộ trình đến năm 2020 không còn bán kháng sinh không đơn; thành lập văn phòng điều phối giám sát kháng thuốc...
NGUYỄN ANH VIỆT