Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam vẫn tồn tại một số khó khăn, bất cập. Mặc dù tỷ lệ sử dụng thuốc lá giảm nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Thuốc lá được bán ở khắp mọi nơi. Khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá rất dễ dàng. Giá thuốc lá tại Việt Nam hiện nay còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, chúng ta vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giảm tiêu dùng các sản phẩm thuốc lá.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh cần phát triển mô hình môi trường không khói thuốc lá. 

Theo Ths Dương Tú Anh, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhằm theo dõi, đánh giá tình trạng sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành trên toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ đã triển khai điều tra tình trạng sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành trên toàn cầu (GATS). Việt Nam đã thực hiện 2 vòng GATS (2010, 2015).

Theo Ths Dương Tú Anh, nghiên cứu này mô tả thực trạng sử dụng các sản phẩm thuốc lá (thuốc lá điếu, thuốc lào, shisha, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng,...), hút thuốc lá thụ động ở người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên). Đối tượng nghiên cứu là người dân trong độ tuổi từ 15 tuổi trở lên, mỗi tỉnh, thành phố khảo sát 2.400 người (1.200 nam, 1.200 nữ tuổi 15 trở lên).

Nghiên cứu được tổng hợp số liệu từ 32 tỉnh, thành phố đại diện cho 6 vùng kinh tế - xã hội. Năm 2024 đã có 28 tỉnh, thành phố hoàn thành phân tích số liệu định lượng. Trong đó, Cần Thơ là thành phố dẫn đầu với tỷ lệ 28,1% người trưởng thành sử dụng thuốc lá. Thấp nhất là tỉnh Nghệ An với 10,6 %; TP Hà Nội là 15,6%.

Cấm hút thuốc lá nơi công cộng. Ảnh: HOÀN KIẾM 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã yêu cầu các địa phương cần mở rộng triển khai mô hình môi trường không khói thuốc lá, hệ thống tư vấn cai nghiện thuốc lá tại cộng đồng, hướng đến các khu vực vùng sâu, vùng xa. Đồng thời đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông, lồng ghép vào các chương trình giáo dục để hướng tới tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về tác hại của thuốc lá mới. 

Tin, ảnh: HÀ VŨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.