Chia sẻ với các phóng viên, PGS,TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, khẳng định, 5 năm qua, Công đoàn Y tế Việt Nam luôn nỗ lực đổi mới về tổ chức, phương thức hoạt động để làm tốt vai trò đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các công đoàn viên ngành Y.

Phóng viên (PV): Thưa bà, trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 vừa qua, Công đoàn Y tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu gì nổi bật?

leftcenterrightdel

 PGS,TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam biểu dương công nhân, viên chức,

lao động giỏi ngành Y tế năm 2023. (Ảnh: Công đoàn Y tế Việt Nam cung cấp).


PGS,TS Phạm Thanh Bình: Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Công đoàn Y tế Việt Nam luôn nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động để làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ và chăm lo cho đoàn viên ngành y tế. Tính đến tháng 5-2023, Công đoàn Y tế Việt Nam đang trực tiếp quản lý 108 công đoàn cơ sở với tổng số hơn 51.500 đoàn viên, trong đó đoàn viên nữ chiếm trên 60. Đặc biệt, từ cuối năm 2019, dịch bệnh Covid-19 bùng phát thành đại dịch trên phạm vi toàn thế giới thì tất cả cán bộ, nhân viên y tế trở thành lực lượng tuyến đầu trên mặt trận chống dịch. Với phương châm “Chống dịch như chống giặc”, ngoài phải chăm sóc các bệnh thường quy, tất cả cán bộ, nhân viên ngành Y tế đã phải “ra trận”, đảm đương khối lượng công việc gấp 3-5 lần bình thường: theo dõi, điều trị cho trên 11,5 triệu ca nhiễm Covid-10 (trong đó có khoảng 5% ca nặng)…; thực hiện tiêm chủng hơn 260 triệu mũi vắc-xin phòng Covid-19 và test xét nghiệm Covid-19 cho hàng trăm triệu lượt người…

Sau đại dịch Covid-19 là sự khủng hoảng về tinh thần khi nhiều cán bộ, nhân viên y tế liên quan đến pháp lý; đời sống nhân viên y tế khó khăn, thu nhập giảm do các đơn vị tự chủ với giá viện phí 20 năm chưa thay đổi, thu không đủ bù chi. Đây chính là giọt nước tràn ly làm cho làn sóng trên 10.000 cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc/chuyển việc sang khu vực tư nhân. Có thể nói, nhiệm kỳ 13 của Công đoàn Y tế Việt Nam là nhiệm kỳ đặc biệt vì có 3/5 năm tập trung công tác chống dịch Covid-19, đại dịch chưa từng có trong lịch sử, áp lực đè nặng lên toàn bộ hệ thống y tế, do đó tổ chức công đoàn các cấp cũng chịu áp lực không kém để đồng hành đảm bảo công tác chăm lo, bảo vệ đoàn viên trên tuyến đầu. Trong khó khăn, ở mọi thời điểm, Công đoàn ngành Y tế Việt Nam đã trở thành chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, người lao động cả về tinh thần và vật chất, thực sự là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động, duy trì và đảm bảo sự hài hòa, ổn định phát triển của các đơn vị y tế.

PV: Xin bà cho biết những thử thách, nhiệm vụ đặt ra cho Công đoàn các cấp cơ sở trong ngành Y tế trong giai đoạn tới?

leftcenterrightdel
Chăm lo đời sống của nhân viên y tế (Ảnh: Công đoàn Y tế Việt Nam cung cấp) 


PGS,TS Phạm Thị Bình: Ngành Y tế đã và đang đối diện với nhiều thách thức trong thời gian tới khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trong khi các dịch bệnh thông thường chưa có xu hướng giảm như: Tay chân miệng, sốt rét, sốt xuất huyết, ... Cùng với đó, nhiều dịch bệnh mới vẫn có nguy cơ xảy ra. Chưa kể các bệnh không lây nhiễm, ung thư ngày càng gia tăng. Trong khi đó, các chế độ, chính sách cho cán bộ, nhân viên y tế từ hàng chục năm chưa được thay đổi như tiền trực năm 2012 là 18.000 đồng và 25.000 đồng khi mức lương cơ sở là 830.000 đồng. Hiện nay mức lương cơ sở đã được điều chỉnh lên mức 1,8 triệu đồng song các chế độ trên vẫn chưa có sự điều chỉnh tương ứng, ngoài ra, rất nhiều chế độ chính sách từ độc hại đến các chính sách khác đều quá cũ. Cộng thêm cơ chế đầu thầu thuốc, trang thiết bị vẫn còn muôn vàn khó khăn, các bệnh viện vẫn thiếu thuốc, người bệnh có bảo hiểm vẫn rất khổ khi đến bệnh viện,

Theo tôi, thời gian tới, Công đoàn Y tế Việt Nam vẫn phải đối diện với muôn vàn khó khăn, nhất là khi 50 % chủ tịch công đoàn cơ sở trực thuộc của nhiệm kỳ mới đều là cán bộ mới. Đây là thách thức lớn để các đồng chí cán bộ công đoàn mới nhanh chóng tiếp cận công việc, trưởng thành trong công việc và thực sự trở thành cánh tay nối dài của Công đoàn Y tế Việt Nam chăm lo cho đoàn viên ngành Y.

PV: Theo bà, sự phát triển các hoạt động Công đoàn Y tế Việt Nam có tầm quan trọng như thế nào với đời sống đoàn viên, người lao động... và sự phát triển của mỗi đơn vị y tế?

leftcenterrightdel
PGS,TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam 


PGS,TS Phạm Thị Bình: Hiện nay, Đoàn viên ngành Y tế cả nước có khoảng 500.000 người, chỉ chiếm 1/24 số đoàn viên cả nước, nhưng họ là những đoàn viên đặc biệt vì mang trọng trách chăm sóc sức khỏe cho trên 100 triệu dân. Do vậy, đoàn viên ngành Y tế có khỏe thì mới chăm sóc y tế tốt nhất cho người dân. Tổ chức công đoàn ở các đơn vị ngành Y tế hoạt động tốt, sẽ là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động, đảm bảo sự hài hòa, ổn định và phát triển của mỗi đơn vị. Nếu nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo đơn vị thì chế độ chính sách của mỗi đoàn viên được đảm bảo hơn. Nhờ đó, họ sẽ yên tâm công tác, cống hiến nhiều hơn vì sức khỏe người dân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

MINH HÀ (ghi)