leftcenterrightdel
Các đại biểu về dự hội nghị trao đổi kinh nghiệm chuyên ngành. 
Gần 80 báo cáo khoa học của các nhà quản lý hoạch định chính sách y tế, chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, bác sĩ, điều dưỡng các chuyên ngành bỏng, phẫu thuật tạo hình, phục hồi chức năng cùng 12 nhà khoa học quốc tế hành đầu đến từ Hội Bỏng thế giới và những quốc gia có nền y học phát triển đã tập trung thảo luận 2 chuyên đề chính: Điều trị bỏng, chăm sóc vết thương và phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ...

Mô hình kiểu mẫu về quân - dân y

Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam nêu rõ, 5 bài học kinh nghiệm trong điều trị bỏng, phẫu thuật tạo hình và liền vết thương chính là sự chuyển hướng và phát triển kịp thời. Thành tựu to lớn nhất là chuyển bỏng chiến tranh sang bỏng thời bình. Chuyên ngành bỏng ở Việt Nam xuất hiện trước hết là do yêu cầu phục vụ chiến đấu và sự kết hợp chặt chẽ giữa phục vụ cộng đồng và phát triển công nghệ hiện đại. Về mặt cộng đồng: Hình thành mạng lưới điều trị bỏng trong phạm vi toàn quốc; phòng bỏng trong cộng đồng; chú trọng kinh nghiệm dân gian trong điều trị bỏng. Về công nghệ hiện đại: Bao gồm công nghệ vật liệu, công nghệ tế bào; công nghệ bảo đảm môi trường vô trùng; công nghệ vi phẫu, tạo hình; công nghệ hồi sức (chống nhiễm khuẩn và chống độc); công nghệ nano, công nghệ sinh học. Trong những năm qua, nền y học nước ta lấy nghiên cứu khoa học là động lực để phát triển; luôn đề cao tính nhân văn, tính con người và tính công bằng; gắn chặt với phòng chống thảm họa. Đây chính là mô hình kiểu mẫu về quân - dân y, là mô hình về xây dựng lực lượng quân y trong thời bình; mô hình kiểu mẫu về y tế phục vụ định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.

Bằng tâm huyết của những người thầy thuốc - chiến sĩ, PGS.TS Vũ Quang Vinh, TS Trần Vân Anh cùng hai Thạc sĩ Hoàng Thanh Tuấn và Tống Thanh Hải, Bộ môn - Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ và Tái tạo Viện Bỏng Quốc gia đã nghiên cứu thành công đề tài “Ứng dụng kỹ thuật siêu vi phẫu với vạt da nhánh xuyên tự do trong phẫu thuật tạo hình”. Vận dụng kỹ thuật mới trong kỹ thuật tạo hình  như chuyển ngón, vạt tĩnh mạch, thay thế mũi, tai...nối bạch mạch, tĩnh mạch, các thành viên trong nhóm đề tài đã nghiên cứu vạt nhánh xuyên, kích thước mạch, kỹ thuật nối và sức sống trên 5 vạt da nhánh xuyên để che phủ các tổn thương vùng mặt, các sẹo – chấn thương đầu chi thể phức tạp kèm theo dập nát và tổn thương mạch máu. Trên thực tế, công trình nghiên cứu này đã thành công và vận dụng rất hiệu quả vào việc điều trị bệnh nhân tại các bệnh viện trong và ngoài quân đội.

leftcenterrightdel
Đại biểu thăm quan trưng bày về thành tựu khoa học mới.
Nhiều đề tài mới

GS.TS Rai Ogawa (Khoa Phẫu thuật, Tạo hình và Thẩm mỹ, Trường Đại học Y Nippon, Tokyo, Nhật Bản) cho rằng: Sẹo phì đại và sẹo lồi là những rối loạn trong quá trình tăng sinh tổ chức xơ sợi của da, là hậu quả di chứng sau bỏng, chấn thương hoặc các yếu tố kích thích da. Chúng có thể được gọi là bệnh căn sẹo hoặc sẹo viêm. Những nguyên nhân thông thường gây nên là bỏng, sau sang chấn, phẫu thuật, tiêm vac-xin, các vết xước da, mụn nhọt hoặc nhiễm virus herpes. Bệnh học của những loại sẹo này thường liên quan rõ ràng tới tình trạng tại chỗ như là tình trạng chậm liền vết thương, các vết thương sâu, và độ căng da của vùng da xung quanh vết thương. Mức độ trầm trọng của sẹo được định hình bởi sự tương tác giữa các yếu tố tại chỗ và toàn thân (như tăng huyết áp) và di truyền.

Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, sức căng của da xung quanh vết thương dẫn đến những đợt viêm kéo dài hoặc tái diễn tại lớp lưới của trung bì da và quá trình viêm này tạo ra một số lượng mạch máu bất thường. Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng các yếu tố tại chỗ như là cơ chế sinh học của trung bì và hệ thống mạch máu, cùng với các yếu tố di truyền và toàn thân thúc đẩy sự phát triển bệnh lý của sẹo bằng việc gây ra sự bất thường về chức năng của màng trong (như tăng tính thấm thành mạch máu) trong suốt pha viêm của quá trình liên vết thương. Sự hiện diện liên tục của các yếu tố trên làm kèo dài sự tác động của các yếu tố và tế bào viêm, do vậy dẫn tới sự rối loạn chức năng của nguyên bào sợi. Để chứng minh do giả thuyết trên, chúng tôi đưa ra các dẫn chứng thực tế bao gồm các phương pháp điều trị sẹo lồi hiệu quả như là liệu pháp xạ trị, liệu pháp áp lực, sử dụng steroid, và liệu pháp laser xung dài Nd: YAG, hạn chế hệ thống mạch máu của sẹo lồi.

Qua hơn 10 năm theo dõi, những nghiên cứu của Khoa Phẫu thuật, Tạo hình và Thẩm mỹ, Trường Đại học Y Nippon, Tokyo, Nhật Bản về bệnh sinh của sẹo lồi và sẹo phì đại đã được chứng minh rõ rệt. Kết quả là những trường hợp sẹo khó chữa trước đây đã được đánh giá là có thể điều trị được. Có nhiều phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, sử dụng corticosteroid, 5-fluorouracil, liệu pháp làm lạnh, laser, sử dụng chất chống dị ứng, chống viêm, sử dụng kem tẩy trắng và phương pháp trang điểm che phủ. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, chúng tôi tin rằng việc kết hợp 3 phương pháp sau sẽ đạt được hiệu quả nhất: phẫu thuật, kết hợp xạ trị sau đó và sử dụng miếng dán hoặc băng dính có chứa steroid.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Đào, Bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp Hải Phòng khẳng định, bằng cách nghiên cứu can thiệp cộng đồng không đối chứng thực hiện trên 119 đối tượng mắc sẹo di chứng bỏng được phẫu thuật tạo hình và phục hồi chức năng tại 3 tỉnh miền núi phía Bắc với cách thức phẫu thuật chủ yếu là chuyển vạt da cân ngẫu nhiên (66,4%), tiếp đến là ghép da 26,9%. Kết quả cho thấy, sau phẫu thuật ở mức tốt là 68,9%; có 31,1% đạt kết quả khá, không có kết quả kém. Với thành công này, Bệnh viện đã góp phần điều trị phẫu thuật tạo hình và phục hồi chức năng hàng ngàn ca là con em đồng bào dân tộc, các đối tượng chính sách...

Với việc điều trị thành công nhiều ca bỏng trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên, Bác sĩ Nguyễn Quốc Việt, Bệnh viện Đà Nẵng nêu vấn đề, bỏng là chấn thương thường gặp cả trong thời chiến và thời bình. Thực tế cho thấy, bệnh nhân bị bỏng nhiều nhất ở tay. Do vậy, từ năm 2014-2016, chúng tôi đã đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật tạo hình sẹo co rút bàn ngón tay do bỏng tại Bệnh viện. Nhận thấy việc điều trị biến dạng bàn tay sau bỏng là thách thức lớn cho nhiều chuyên khoa như bỏng, tạo hình và phục hồi chức năng. Điều trị phẫu thuật di chứng biến dạng bàn tay sau bỏng đòi hỏi phải phối hợp nhiều phương pháp như: ghép da dày kiểu Wolfe-Krause, chuyển vạt da hình chữ Z (Z-plasty), vạt Trident, vạt da cân cuống mạch. Thực tế cho thấy, bệnh viện Đà Nẵng đã phẫu thuật cho 42 bệnh nhân với 47 bàn tay bị sẹo bỏng co rút bàn ngón tay ổn định (trên 3 tháng) được điều trị tại Khoa ngoại Bỏng – Tạo hình. Trong thời gian điều trị, số bệnh nhân bỏng đã được đội ngũ y bác sĩ áp dụng các kỹ thuật như: ghép da dày, Zplasty và Z+WK là chủ yếu, chiếm tỷ lệ 70,2%. Kết quả khi bệnh nhân xuất viện thường tốt và rất tốt, chiếm tỷ lệ 91,5%.

Với tinh thần say mê tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo, các đại biểu tham gia hội nghị còn được nghe nhiều báo cáo khoa học tiêu biểu như: “Kinh nghiệm 10 năm triển khai kỹ thuật vi phẫu tại Viện Bỏng Quốc gia” của PGS.TS Vũ Quang Vinh; “Nghiên cứu ghép màng ối trong giai đoạn cấp điều trị bỏng mắt do hóa chất mức độ nặng” của bác sĩ Nguyễn Đình Ngân, Bệnh viện Quân y 103; “Kết quả bước đầu tạo hình khuyến hổng phần mềm cẳng bàn chân bằng vạt cánh quạt tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên” của bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên...cùng hơn 70 báo cáo khoa học trình bày tại hội nghị đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành bỏng, phẫu thuật tạo hình và phục hồi chức năng nói riêng, nên y học Việt Nam nói chung.

Kết luận hội nghị, Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Gia Tiến, Viện trưởng Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, Trưởng ban tổ chức hội nghị nhấn mạnh: “Hội bỏng Việt Nam được thành lập từ năm 1994 do GS.TS khoa học Lê Thế Trung làm Chủ tịch đầu tiên, qua 23 năm xây dựng và trưởng thành, Hội bỏng đã tư vấn cho Bộ Y tế và các cơ quan chức năng xây dựng được một mạng lưới chữa bỏng rộng khắp trong cả nước với hạt nhân Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác. Hàng năm ngành bỏng Việt Nam đã khám bệnh và điều trị nội trú cho hàng chục nghìn bệnh nhân bỏng trong hệ thống y tế của cả nước. Hội nghị thành công tốt đẹp là cơ hội để chúng ta học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tạo bước đột phá toàn diện trên cả 3 lĩnh vực: Bỏng, Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và chăm sóc vết thương, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của nền y học nước nhà”...

Bài, ảnh: PHAN TIẾN DŨNG