Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh: Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu tại mọi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB). NKBV làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và chi phí thuốc điều trị. Cùng với sự xuất hiện một số bệnh gây ra bởi những vi sinh vật kháng thuốc hoặc bởi những tác nhân gây bệnh mới, NKBV là vấn đề nan giải ngay cả với các nước phát triển. Ngành y tế đã phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do NKBV gây ra, ví như vụ dịch sởi năm 2014 khiến hơn 100 trẻ tử vong do lây nhiễm chéo trong Bệnh viện Nhi Trung ương; năm 2017 có 4 trẻ tử vong tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh với kết luận ban đầu do NKBV…

Hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Theo số liệu của Cục Quản lý KCB, có tới 36% lãnh đạo khoa kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn, trong đó chủ yếu là ở bệnh viện tuyến huyện, khu vực miền núi…; 79,1% nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được đào tạo cơ bản về kiểm soát nhiễm khuẩn và hầu hết các bệnh viện chưa bảo đảm một nhân viên giám sát trên 150 giường bệnh... Đặc biệt, hơn 1/4 số khoa gây mê hồi sức được khảo sát không sử dụng kháng sinh dự phòng cho người bệnh phẫu thuật; 22% khoa hồi sức tích cực của các bệnh viện không có nhân viên vệ sinh được đào tạo. Trên thực tế, tỷ lệ NKBV tuyến Trung ương cao hơn tuyến địa phương. Trong khi đó, các cơ sở KCB lại thường xuyên phải đối phó với các dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao do tác nhân lây bệnh qua đường máu, như: HIV, viêm gan B, viêm gan C và nhiều bệnh lây truyền qua đường hô hấp, như cúm, lao phổi và các vi khuẩn đa kháng kháng sinh...

Với tình trạng xuất hiện nhiều bệnh nhiễm khuẩn mới có tỷ lệ tử vong cao trong cộng đồng, như: Ebola, MERS-CoV, sởi... không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng KCB, sự hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế, mà NKBV còn là nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển kỹ thuật cao, như ghép bộ phận cơ thể người, ghép tế bào gốc...

Tại hội nghị về tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại khoa gây mê hồi sức và hồi sức tích cực trong cơ sở KCB do Bộ Y tế mới tổ chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã bày tỏ sự lo ngại về tình trạng NKBV hiện nay: “Tôi rất sốt ruột về vấn đề này, đi đến các bệnh viện tuyến Trung ương hay bệnh viện tỉnh, tôi đều dành sự quan tâm đến thăm, kiểm tra trực tiếp tại các khoa hồi sức, khoa gây mê hay đơn vị gây mê hồi sức. Kiểm soát nhiễm khuẩn có vai trò quan trọng trong cơ sở y tế, đặc biệt tại các khoa gây mê hồi sức và hồi sức tích cực vì liên quan mật thiết đến chất lượng chăm sóc sức khỏe người bệnh”.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị y tế cam kết thực hiện đúng, đầy đủ nội dung các văn bản, các quy định, hướng dẫn chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn do Bộ Y tế ban hành. Song song với truyền thông, nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng về kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh; việc cải tạo cơ sở hạ tầng, trang bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, điều kiện cho phòng ngừa cách ly, thực hành vô khuẩn, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiệt khuẩn và bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn theo cơ cấu giá viện phí dành cho kiểm soát nhiễm khuẩn... sẽ góp phần ngăn ngừa hiệu quả tình trạng nhiễm khuẩn trong bệnh viện và các cơ sở y tế hiện nay.

Trong Lễ phát động "Chiến dịch Vệ sinh tay năm 2019" của Bệnh viện K, GS, TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, NKBV hoàn toàn có thể ngăn ngừa được, trong đó vệ sinh tay luôn được coi là biện pháp đơn giản, dễ thực hiện và hiệu quả nhất để giảm NKBV; đặc biệt là sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc, bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế. Đơn cử, tại Bệnh viện K, đa số người bệnh ung thư được điều trị với các loại biện pháp, như: Hóa trị, xạ trị gây suy giảm miễn dịch nên việc phòng ngừa NKBV rất quan trọng. Những năm qua, bệnh viện đã thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát tình trạng NKBV. Ngoài ra, vệ sinh tay luôn được cán bộ, nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, các đối tượng học viên, sinh viên tại bệnh viện quan tâm. Tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay năm 2017 chỉ đạt 62%, năm 2018 đạt 78,6% và đạt 84,8% trong năm 2019.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, vệ sinh tay được coi là liều vắc-xin tự chế đơn giản, hiệu quả về chi phí nhưng có thể cứu sống hàng triệu người. Chỉ một động tác vệ sinh tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới.

DIỆP CHÂU