Bệnh nhân nói trên sinh năm 1946 (ở Đông Anh, Hà Nội) đã nhập viện được hai ngày trong tình trạng miệng bị loét, đau rát và được chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat. Bác sĩ Nguyên chia sẻ, ngộ độc Paraquat luôn làm khó các bác sĩ vì thuốc ngấm vào phổi, làm xơ phổi, khiến bệnh nhân suy hô hấp. Tuy nhiên, nếu dùng máy thở ô-xy trợ giúp thì ô-xy sẽ kết hợp với chất độc Paraquat tạo thành chất độc hơn và khiến bệnh nhân tử vong nhanh hơn. “Nếu không dùng ô-xy thì bệnh nhân sẽ chết ngay mà dùng máy thở thì bệnh nhân sẽ chết từ từ. Do đó, bất đắc dĩ chúng tôi mới cho bệnh nhân ngộ độc Paraquat thở ô-xy khi họ khó thở”-Bác sĩ Nguyên nói.  Hiện tại, Trung tâm đang điều trị cho 2 bệnh nhân tự tử bằng Paraquat. Sau khi uống thuốc bệnh nhân nôn nhiều, đau rát miệng, họng, nhập viện trong tình trạng vẫn tỉnh táo. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, việc cứu chữa cho các bệnh nhân rất khó khăn.

leftcenterrightdel
Một bệnh nhân ngộ độc Paraquat được điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. 

Theo thống kê, mỗi năm cả nước có khoảng 1.000 ca tử vong vì ngộ độc Paraquat. Mới đây cơ quan chức năng đã loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Paraquat ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, số thuốc đã nhập thì xử lý thế nào? Gánh nặng tự tử bằng Paraquat cũng vẫn đang hiện hữu. Gần như ngày nào, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng phải cấp cứu điều trị cho bệnh nhân ngộ độc Paraquat. Năm 2015, Trung tâm chống độc tiếp nhận hơn 300 ca, năm 2016 là 450 ca. Các bệnh nhân đa phần còn trẻ, tự tử với những lý do rất nhỏ nhặt như: Bị bố mẹ mắng, vợ chồng cãi nhau, giận người yêu… Theo các bác sĩ, tự tử bằng Paraquat tỷ lệ tử vong rất cao chiếm 70-90%. Chỉ cần uống khoảng 5ml cũng đã đủ khiến con người rơi vào tình trạng ngộ độc. Những người cứu sống được thì chi phí điều trị cũng rất cao, riêng chi phí lọc máu có thể lên đến trăm triệu đồng...

Các nhà khoa học trên thế giới cũng như Việt Nam đã áp dụng mọi cách khử độc như lọc máu, dùng thuốc giải độc nhưng hiệu quả điều trị ngộ độc Paraquat rất hạn chế, nguy cơ tử vong rất lớn vì chất độc ngấm vào phổi, gan, thận và phá hủy các bộ phận. Nhiều bệnh nhân sau khi được rửa dạ dày, thấy các triệu chứng buồn nôn, không còn đau rát họng, tưởng mình đã hết ngộ độc nhưng sau 5-7 ngày, thậm chí đến 3 tháng sau vẫn bị suy hô hấp mà chết. 

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho rằng, việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Paraquat ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam là việc làm cần thiết. Quyết định này nếu được thực thi nghiêm túc sẽ có tác dụng rất lớn, giúp cứu sống hàng nghìn người mỗi năm. Hiện nay, trên thế giới cũng đã có khoảng 40 quốc gia cấm sử dụng hóa chất này.

Hiện nay, các phương pháp điều trị ngộ độc được áp dụng là lọc máu hấp phụ độc chất phối hợp uống thuốc ức chế miễn dịch chống xơ phổi. Chi phí điều trị từ 50-100 triệu đồng. Tuy nhiên, với những nạn nhân nhập viện muộn, hoặc uống nhiều Paraquat đã ngấm vào các tổ chức, cơ quan của cơ thể thì gần như vô phương cứu chữa. Để phòng tránh ngộ độc các loại hóa chất bảo vệ thực vật vốn rất độc hại, các bác sĩ khuyến cáo, cần chú ý các khâu dự phòng từ mua bán, đóng chai, cất giữ đến sử dụng; sản phẩm cần có nhãn mác ghi rõ các loại hóa chất, độc tính, cách cấp cứu khi nhiễm độc; cất ở nơi riêng biệt có khóa, ngoài tầm với của trẻ... Không được dùng các chai đựng nước, chai bia, nước ngọt để đựng hóa chất bảo vệ thực vật vì trẻ dễ nhầm, đem ra uống. Nông dân khi phun hóa chất cần mang trang phục bảo hộ lao động đầy đủ, không phun, xịt hóa chất khi bụng đói, đang yếu trong người, hay mới khỏi bệnh; tắm rửa thật sạch bằng xà phòng sau khi phun, xịt hoá chất; khi vòi phun bị nghẹt không dùng miệng để hút; nghỉ ngơi xen kẽ trong lúc làm việc, không phun, xịt liên tục quá hai giờ. Nếu phát hiện người ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật cần tìm mọi cách để bệnh nhân nôn ra, sau đó đưa đi cấp cứu tại bệnh viện để được các bác sĩ xử lý kịp thời.

Bài và ảnh: HÀ VŨ