Bác sĩ chuyên khoa 2 Thạch Minh Đức, Phó trưởng Khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết: "Những ngày qua, bệnh viện liên tục nhận bệnh nhân SXH đến điều trị. Hiện nay, có 200 ca bệnh và dự báo con số này vẫn có dấu hiệu tăng lên. Điều đáng lo ngại là dịch bệnh xuất phát không phải từ nông thôn mà ngay tại trung tâm thành phố. Cụ thể, tại quận Ninh Kiều có hơn 50 ca SXH, kế tiếp là huyện Thới Lai với 33 ca, Ô Môn 32 ca và Cái Răng 25 ca. Dịch bệnh SXH phát triển mạnh tại những khu dân cư đông đúc ngay tại trung tâm thành phố là mối lo lớn, vì sự lây lan sẽ rất khó lường".

leftcenterrightdel
Bác sĩ khám cho bệnh nhân bị SXH nằm tại Bệnh viện Nhi đồng.

Không chỉ đến sớm và tăng nhanh, mà số ca bệnh nặng cũng tăng hơn so với mọi năm. Thống kê của cơ quan y tế Cần Thơ cho thấy, tỷ lệ mắc SXH ở độ C (độ nặng) chiếm hơn 14% các ca mắc SXH. Độ tuổi dưới 15 vẫn là nhóm mắc SXH chủ yếu, chiếm hơn 70%. Do người mắc SXH tăng đột biến, Khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ luôn trong tình trạng quá tải. Vì vậy, có từ 2 đến 3 bệnh nhân nằm chung một giường. Có trường hợp người nhà và bệnh nhân phải mắc võng, kê ghế nằm ngoài hành lang bệnh viện. Theo điều dưỡng Phạm Kim Bé, Trưởng khoa Điều dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ: Mỗi ngày, khoa tiếp nhận vài chục bệnh nhân SXH, có nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nôn ói, sốt cao… Để giảm tải, các bác sĩ trong khoa phải tăng cường sàng lọc bệnh nhân. Đối với bệnh nhẹ, tỉnh táo, ăn uống được, bác sĩ thăm khám, tư vấn với gia đình rồi cho điều trị ngoại trú và hẹn tái khám. “Mới đầu mùa mưa nhưng số lượng bệnh nhân SXH quá đông, không chỉ ở Cần Thơ mà các tỉnh lân cận, như: Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang… cũng được đưa về điều trị tại bệnh viện. Phần lớn bệnh nhân đều rơi vào trường hợp đã sốt từ 3 đến 5 ngày, chẩn đoán muộn nên đưa đến bệnh viện thì bệnh đã chuyển nặng”, điều dưỡng Phạm Kim Bé cho hay.

Cũng theo thống kê từ Sở Y tế TP Cần Thơ, từ đầu tháng 5 đến nay trên địa bàn thành phố đã có tổng cộng 60 ổ dịch SXH. Trong đó, cao nhất là huyện Thới Lai với 24 ổ dịch, tăng gấp đôi so với cùng kỳ; quận Ô Môn là 14 ổ dịch, tăng 10 ổ dịch. Theo bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP Cần Thơ, nguyên nhân mắc SXH tăng ở một số địa phương là do tình trạng vệ sinh môi trường tại các nơi công cộng, nhất là các quận nội thành không bảo đảm: Cống rãnh ngập nghẽn, các khu đang xây dựng và đất mua chưa sử dụng bị ngập hoặc ứ đọng phế thải… Bên cạnh đó, việc điều tra, xử lý ổ dịch chưa được quan tâm thực hiện triệt để; địa phương có tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng nhưng chưa tập huấn cho người tham gia; các ban, ngành, đoàn thể chưa tham gia đầy đủ; mỗi nhóm phụ trách quá nhiều hộ gia đình...

Các chuyên gia y tế dự báo, những tháng cuối năm là giai đoạn cao điểm bệnh SXH có khả năng bùng phát thành dịch lớn. Do đó, để ứng phó với tình hình dịch bệnh SXH, ngành y tế thành phố đang tổ chức chiến dịch truyền thông vận động cộng đồng diệt lăng quăng kết hợp phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các địa bàn trọng điểm về SXH. Nhằm tăng hiệu quả tuyên truyền, Sở Y tế TP Cần Thơ còn phân công cán bộ, cộng tác viên phụ trách từng địa bàn đi sâu vào các hẻm, kiểm tra vệ sinh phía sau nhà từng hộ dân. Cơ quan y tế các địa phương phối hợp với ngành giáo dục để hướng dẫn học sinh, sinh viên làm vệ sinh môi trường tại gia đình, trường học, nơi công cộng… Đồng thời phối hợp với đài truyền thanh các quận và ban, ngành, đoàn thể truyền thông trực tiếp để mọi người hiểu rõ và cùng hợp tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Ngoài ra, mỗi địa phương còn đầu tư trang bị hệ thống thùng loa di động để tuyên truyền ở các khu vực đông dân cư như chợ, trường học, khu vực có bệnh…

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: "Trước mắt, sở đang tập trung xử lý 100% ổ dịch nhỏ tại các quận, huyện; khoanh vùng phun hóa chất làm giảm mật độ muỗi gây bệnh. Ngày 15-6 tới, Sở Y tế sẽ ra quân thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống SXH tại 9 quận, huyện trên địa bàn. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều đợt kiểm tra công tác phòng, chống bệnh SXH tại các điểm nóng của dịch bệnh. “Hiện đang vào cao điểm của mùa mưa nên tình hình có thể diễn biến phức tạp. Từ nay cho tới tháng 11 sẽ là cao điểm của SXH. Đối với những địa bàn trọng điểm, chúng tôi sẽ xuống trực tiếp để giám sát, chỉ đạo, hỗ trợ nhằm khống chế dịch; quyết tâm bao vây, dập tắt dịch, không để dịch bệnh bùng phát”, bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, cho biết.

NGỌC THẢO