Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại huyện Vũ Thư, TP Thái Bình, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thái Bình đã khẩn trương, tập trung chỉ đạo các biện pháp cấp bách để ứng phó với diễn biến của dịch bệnh.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của nhân dân huyện Vũ Thư, Thành phố Thái Bình, tình hình dịch bệnh bước đầu được kiểm soát, hạn chế sự lây lan ra diện rộng.
Để nhanh chóng kiểm soát, khống chế, dập tắt các ổ dịch, ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân và tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu huyện Vũ Thư, TP Thái Bình tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, bằng nhiều hình thức, nhất là tuyên truyền lưu động và bằng nhiều lực lượng của các hội, đoàn thể, Tổ Covid-19 cộng đồng…
 |
Lực lượng chức năng phong tỏa Khu dân cư tổ 16, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình. Ảnh: TTXVN |
Đặc biệt, các địa phương cần phổ biến đến từng hộ gia đình để người dân nâng cao ý thức tự giác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; phải hạn chế tối đa đi lại, tiếp xúc khi không thực sự cần thiết; chỉ di chuyển, đi lại phục vụ các hoạt động cần thiết tại các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ, các hoạt động thực sự thiết yếu cần thiết khác và khi đi lại, tiếp xúc phải thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Riêng đối với công nhân, người lao động đi làm tại các doanh nghiệp tại địa phương, quá trình di chuyển, đi lại thực hiện đúng phương châm “một cung đường hai điểm đến”, thực hiện xét nghiệm và các yêu cầu về phòng, chống dịch của doanh nghiệp.
Đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các địa phương huyện Vũ Thư tiếp tục xác định phạm vi, khoanh vùng ổ dịch để thực hiện cách ly, phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm; bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; chủ động vật tư, phương tiện, nhân lực để lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực cách ly, phong tỏa, xét nghiệm sàng lọc đối với các trường hợp có nguy cơ.
Các địa phương cũng cần phát huy vai trò của các lực lượng y tế, công an, các hội, đoàn thể, Tổ Covid-19 cộng đồng để quản lý, giám sát chặt chẽ các khu vực có ổ dịch thực hiện cách ly, phong tỏa theo phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”; quản lý, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp (bao gồm các các trường hợp có liên quan đến ca bệnh F0 và các thành viên trong gia đình) nhất là các trường hợp F1, F2 đang thực hiện cách ly y tế tại nhà, kịp thời xử lý khi có các tình huống dịch bệnh phát sinh; khuyến khích người dân tự nguyện xét nghiệm; yêu cầu người dân có biểu hiện sốt, ho, khó thở… liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được hướng dẫn, xét nghiệm và kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Các doanh nghiệp trên địa bàn cần quản lý rà soát, lập danh sách công nhân, người lao động để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp khi có tình huống dịch bệnh phát sinh.
Các sở, ngành chức năng tỉnh Thái Bình, đặc biệt là Sở Y tế, cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khẩn trương xác định phạm vi, khoanh vùng các ổ dịch, xác định các trường hợp nguy cơ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; chỉ đạo các cơ sở y tế, đặc biệt y tế tư nhân, quầy thuốc… thực hiện nghiêm việc xét nghiệm và lập danh sách các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, có yếu tố dịch tễ, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; xử lý nghiêm các cơ sở y tế, quầy thuốc… vi phạm quy định về phòng, chống dịch.
NGỌC ANH