Số người tham gia BHYT ngày càng tăng
Báo cáo tại hội nghị cho biết, sau 25 năm triển khai, chính sách BHYT đã góp phần quan trọng bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tính đến tháng 6-2018, tỷ lệ bao phủ BHYT nước ta chiếm 86,9% dân số, 63 tỉnh, thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg. Với 81,59 triệu người dân tham gia BHYT thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe, y tế của người dân ngày càng cao, nhất là chăm sóc sức khỏe y tế ban đầu.
 |
Bà Nguyễn Thị Minh, Giám đốc BHXH Việt Nam phát biểu tại hội nghị. |
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, hiện cả nước có hơn 12.000 trạm y tế xã. Trong đó, tổng số trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh BHYT là 9.821 với số thẻ BHYT đăng ký ban đầu là 21,5 triệu. Trong giai đoạn 2010-2014, số lượt khám chữa bệnh tại tuyến xã tăng qua các năm với tỷ lệ gia tăng bình quân là 4%; nhưng từ năm 2015 đến nay, số lượt KCB BHYT tại tuyến xã có xu hướng giảm (số lượt khám chữa bệnh BHYT tại tuyến xã giai đoạn 2010-2014: khoảng 34,06 triệu lượt; 2015: 34 triệu lượt; 2016: 32,7 triệu lượt; 2017: 33 triệu lượt). Đặc biệt, số lượt khám chữa bệnh BHYT tăng dần qua các năm, từ 130 triệu lượt năm 2015 đến 147 triệu lượt năm 2016 và 150 triệu lượt năm 2017. Chi phí do quỹ BHYT chi trả là hơn 47.000 tỷ đồng (2015), 68.000 tỷ đồng (2016), 88.000 tỷ đồng (2017).
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh, Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, đầu tư cho YTCS là thông minh nhất, đúng đắn nhất đối với bất cứ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam. Bởi khi tăng cường đầu tư cho YTCS, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT tại tuyến YTCS sẽ tạo thuận lợi cho việc tiếp cận dịch vụ của người tham gia BHYT khi có nhu cầu được nhanh nhất. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhu cầu sử dụng, khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở ban đầu tại nước ta chưa cao trong khi đó tỷ lệ bao phủ BHYT (người dân tham gia BHYT ngày càng cao) dẫn đến nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng mạnh.
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh từ tuyến YTCS
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, YTCS là tuyến y tế ban đầu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Nhiệm vụ của YTCS bao gồm các hoạt động chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe, dự phòng và khám chữa bệnh. Đây là tuyến y tế gần dân, sát dân nhất, giúp cho việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh của người dân được thuận tiện, đỡ tốn kém, đặc biệt là khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất và hiệu quả nhất. “Mạng lưới YTCS ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Nhờ có mạng lưới YTCS rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản đã được triển khai có hiệu quả, sâu rộng như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, khám chữa bệnh thông thường, truyền thông giáo dục sức khỏe. Hiện nay, nhiều trạm y tế xã bước đầu đã triển khai có hiệu quả việc quản lý, điều trị một số bệnh mạn tính không lây (tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch), một số loại bệnh truyền nhiễm (lao, HIV/AIDS) và phục hồi chức năng”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
 |
|
 |
Các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện 103 khám bệnh cho người dân tại Quảng Trị. |
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hạn chế của tuyến YTCS là người dân chưa tin tưởng vào y tế cơ sở vì chất lượng còn chưa cao, thiếu cán bộ y tế. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đáp ứng, các dịch vụ chuyên môn trong trong KCB còn hạn chế, nguồn kinh phí từ quỹ BHYT cho trạm y tế tuyến xã chưa đảm bảo; chi trả BHYT còn thấp, danh mục thuốc ít, danh mục kỹ thuật ít... Bên cạnh đó, quỹ khám chữa bệnh BHYT giao cho trạm y tế thấp (không quá 20% quỹ khám chữa bệnh BHYT ngoại trú dẫn đến một số loại bệnh trạm y tế xã có khả năng điều trị, cấp thuốc nhưng phải chuyển lên tuyến trên gây nên tình trạng quá tải ở tuyến trên, tốn kém chi phí và không thuận lợi cho người bệnh, nhất là người cao tuổi mắc bệnh không lây nhiễm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến người dân không lựa chọn trạm y tế xã làm nơi khám chữa bệnh ban đầu, dẫn tới người dân khám bệnh vượt tuyến, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc, công sức và các chi phí xã hội khác.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho rằng, chất lượng khám chữa bệnh tuyến YTCS vẫn là vấn đề phải suy nghĩ bởi YTCS ví như "người gác cổng" trong hệ thống y tế, giúp người dân giảm chi từ tiền túi nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Tại hội nghị, tham luận của các cơ quan, đơn vị cũng đã đưa ra các giải pháp, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT tại tuyến YTCS .
Bài và ảnh: VƯƠNG THÚY