Trong số 131 vụ ngộ độc thực phẩm có 43 vụ liên quan đến độc tố tự nhiên (chủ yếu do ngộ độc cóc, nấm rừng, so biển, cá nóc, cua lạ); 6 vụ liên quan đến hóa chất; 45 vụ liên quan đến vi sinh vật và 37 vụ chưa xác định nguyên nhân.
Đáng chú ý, trong năm qua đã ghi nhận một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể đông người tại các công ty (tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Đồng Nai); bếp ăn trường học, và cả căng tin, các cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh khu vực trường học (tỉnh Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh); do thức ăn đường phố (ở tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Sóc Trăng).
 |
Kiểm tra bếp ăn tập thể tại Hà Nội. Ảnh: chinhphu.vn |
Tính đến ngày 30-11-2024, toàn ngành Y tế (tại Trung ương và địa phương) đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 6,22% so với số cơ sở được kiểm tra; đã xử lý 9.043 cơ sở (chiếm 41% số cơ sở vi phạm, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023), trong đó phạt tiền 6.658 cơ sở với số tiền phạt: 33.534.861.080 đồng (số cơ sở phạt tiền tăng 2,9 lần so với năm 2023, số tiền phạt tăng 1,69 lần số tiền phạt năm 2023).
Trước tình hình ngộ độc thực phẩm có diễn biến phức tạp, đặc biệt tại bếp ăn tập thể của các công ty, doanh nghiệp, trường học và do thức ăn đường phố, Bộ Y tế tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị, Công điện về tăng cường ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Bộ Y tế cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh công tác kiểm soát và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, rau quả để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Để ngăn chặn tình trạng ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác giám sát và xử lý các sự cố an toàn thực phẩm. Đồng thời, cần có các biện pháp nghiêm ngặt hơn trong việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nhập khẩu và thực phẩm bán rong, không rõ nguồn gốc.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và các điểm bán hàng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho cộng đồng. Cùng với đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm cũng sẽ được đẩy mạnh.
CHÂU ANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.