Theo đó, một chiến dịch sẽ được tổ chức trong 5 năm, từ năm 2024 đến 2028, nhằm nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh (AMR) qua các kênh thông tin ngoài trời, thông tin điện tử, lan tỏa tại bệnh viện và phương tiện truyền thông.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ năm 2020-2023 Việt Nam có gần 270.000 ca tử vong do đề kháng kháng sinh. Tức là bình quân mỗi năm có gần 70.000 ca tử vong liên quan đến kháng kháng sinh. 

Khởi động chương trình cộng đồng phòng, chống đề kháng kháng sinh.

Tỷ lệ kháng kháng sinh tại Việt Nam ở mức cao do nhiều yếu tố như lạm dụng và sử dụng kháng sinh quá mức, bán thuốc kháng sinh không có đơn thuốc của bác sĩ và chỉ định sử dụng kháng sinh chưa phù hợp.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tình trạng kháng kháng sinh (AMR) tại Việt Nam gây ra nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng, khiến các bệnh truyền nhiễm trở nên khó điều trị hơn, tăng tỷ lệ tử vong và chi phí y tế tăng cao.

Kháng kháng sinh cũng gây nguy hiểm cho nhiều tiến bộ y học như phẫu thuật và điều trị ung thư. Thêm vào đó, ô nhiễm môi trường do dư lượng kháng sinh trong nguồn nước làm tình trạng AMR xấu hơn, ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng trên khắp Việt Nam. 

Về lâu dài, việc lạm dụng và kháng kháng sinh gây tác động lên các cộng đồng dân cư nông thôn và thu nhập thấp, khiến tình trạng mất cân đối về y tế ngày càng gia tăng.

Với chủ đề “Kháng sinh đúng liều – Đủ yêu tổ ấm”, chương trình cộng đồng này nhằm mục tiêu giải quyết mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu với tác động đáng kể tại Việt Nam, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và sự phát triển y tế bền vững của quốc gia. 

Ngay trong năm 2024, trong khuôn khổ Chương trình Cộng đồng về phòng, chống kháng kháng sinh, dự kiến một chuỗi hoạt động giáo dục quy mô lớn sẽ được triển khai nhằm gia tăng nhận thức của cộng đồng về vấn đề này. 

Đồng thời xây dựng và phát triển một trang web về chuyên đề kháng kháng sinh, cung cấp thông tin chuyên sâu, các bài viết, lược đồ thông tin và video giải thích AMR một cách thu hút, truy cập dễ dàng, giúp người bệnh và thân nhân dễ dàng tiếp cận thông tin, hiểu về tầm quan trọng của việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.

AN NHIÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.