Tham dự buổi lễ có các đồng chí: GS, TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế; TS Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo;TS Lokky Wai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cùng hàng nghìn giáo viên và học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi lễ.
Theo Bộ Y tế, trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp, là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật làm cho hàng triệu người bị giảm hoặc mất sức lao động tại Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới ước tính năm 2015 Việt Nam có khoảng 3.564.000 người bị rối loạn trầm cảm, chiếm 4 % dân số, trong đó 3 nhóm tuổi có tỷ lệ mắc cao nhất là: Học sinh, thanh thiếu niên; phụ nữ trước và sau khi sinh và người cao tuổi. Còn theo kết quả nghiên cứu năm 2008 ở Việt Nam, gánh nặng bệnh tật do trầm cảm đo bằng DALY (số năm sống điều chỉnh theo mức độ bệnh tật) chiếm tới 12% tổng gánh nặng bệnh tật ở nữ giới. Bệnh này cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng tàn tật ở nữ giới (chiếm tới 29%) và nguyên nhân thứ hai gây gánh nặng tàn tật ở nam giới (chiếm 11%). Đặc biệt người trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 25 lần so với người khác và hơ 50% số ca tự tử có rối loạn trầm cảm. Trên thế giới, mỗi năm có gần 800.000 người chết vì tự tử và đây là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở độ tuổi từ 15 đến 29. Ở Việt Nam, ước tính mỗi năm có gần 5.000 người tử vong do tự tử.
Đông đảo các em học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm tham gia lễ mít tinh hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam đã từng bước được quan tâm đầu tư. Dự án bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng đã được đưa vào Chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1215/QĐ-TTg phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, hoạt động phòng, chống trầm cảm hiện nay mới bước đầu được triển khai tại một số địa phương, do vậy hầu hết những người mắc trầm cảm trong cộng đồng vẫn chưa được phát hiện, chưa được quản lý điều trị và tư vấn, chăm sóc đầy đủ. Bên cạnh đó, đa số người dân chưa có hiểu biết đúng về bệnh này dẫn đến sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người rối loạn trầm cảm.
Các em học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm trình diễn thể dục xếp hình tại lễ mít tinh hưởng ứng ngày Sức khỏe thế giới.
Các em học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm đọc tờ rơi hướng dẫn phòng, chống trầm cảm.
Theo các chuyên gia y tế, trầm cảm gây ra bởi nhiều yếu tố xã hội, tâm lý và sinh học, thường xuyên xảy ra ở những người bị stress sau khi gặp phải vấn đề khó khăn trong cuộc sống như thất nghiệp, mất người thân, đổ vỡ quan hệ, mâu thuẫn gia đình, thất bại trong học tập, khủng hoảng tinh thần... hoặc sau khi mắc một số bệnh đặc biệt là các bệnh nặng, bệnh mãn tính như ung thuê, đái tháo đường, tim mạch, đột quỵ... Người bị trầm cảm điển hình có biểu hiện buồn chán dai dẳng, mệt mỏi, giảm hoặc mất sự quan tâm, thích thú với những hoạt động thường thích làm, kèm them không có khả năng thực hiện các công việc hằng ngày, thời gian kéo dài từ hai tuần trở lên. Trầm cảm không được chữa trị sẽ trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng làm việc, học tập và cuộc sống hằng ngày.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các cơ sở giáo dục, tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, có các quy định, hướng dẫn cụ thể xây dựng trường học nâng cao sức khỏe, giúp các em thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất, trang bị kỹ năng sống, tích cực tham gia các hoạt động tập thể, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau, phát hiện sớm những trường hợp nguy cơ để tư vấn, giúp đỡ kịp thời và phối hợp với cơ sở y tế và gia đình để chăm sóc sức khỏe cho các em.
Để dự phòng và kiểm soát bệnh trầm cảm hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị ngành y tế cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe làm cho người dân nhận thức đúng về trầm cảm, cách nhận biết, phát hiện sớm để đi khám, tư vấn và điều trị kịp thời, biết cách hỗ trợ, giúp đỡ, tạo môi trường hòa nhập và không kỳ thị, phân biệt đối xử với người có rồi loạn trầm cảm; phối hợp triển khai các chính sách, chương trình nâng cao sức khỏe tâm thần phù hợp với các nhóm đối tượng đặc biệt là người cao tuổi; tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống y tế tuyến cơ sở để cung caaos các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý, tư vấn chăm sóc cùng phối hợp để phát triển các dịch vụ tâm lý trị liệu phục hồi chức năng và hỗ trợ xã hội cho người mắc bệnh ở cộng đồng.
Hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới năm2017, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các ban ngành đoàn thể, tổ chức xã hội, đặc biệt là các cơ quan truyền thông, phóng viên các báo đài tích cực phối hợp và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để cộng đồng không kỳ thị, phân biệt đối xử với người trầm cảm và tích cực chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ người bệnh; đồng thời vận động cộng đồng xã hội cùng chung tay phòng, chống trầm cảm, chăm sóc sức khỏe tâm thần, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Tại buổi lễ, hàng nghìn học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm đã đồng diễn thể dục xếp hình hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giớ (7-4).
Mỗi cá nhân có thể phòng ngừa trầm cảm bằng cách thực hiện lối sống cân bằng như nghỉ ngơi và ngủ điều độ, chế độ ăn cân đối và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Được bảo vệ không bị bạo lực, xâm hại và mất mát cũng giúp phòng ngừa trầm cảm. Trầm cảm thể nhẹ có thể điều trị khỏi mà không dùng thuốc, có thể được các bác sĩ không chuyên khoa chẩn đoán và điều trị tại tuyến chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Chăm sóc chuyên khoa là cần thiết cho các trường hợp trầm cảm phức tạp. (Trích khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) |
Tin, ảnh: HUYỀN ANH