Theo đó, những ngày qua, trên địa bàn 2 xã biên giới Na Ngoi và Mường Típ, (tỉnh Nghệ An) xuất hiện 2 ca bệnh viêm não Nhật Bản, bệnh nhân là trẻ em. Khi mắc bệnh, cả 2 em đều có triệu chứng sốt, đau đầu, mệt mỏi, tuy nhiên, gia đình đã không đưa trẻ đến cơ sở y tế mà tự điều trị tại nhà. Cho đến khi thấy tình trạng các cháu không thuyên giảm, người thân mới đưa đến Trung tâm Y tế Kỳ Sơn để khám.
 |
Cán bộ y tế tại các địa phương rà soát lập danh sách tiêm bổ sung vắc-xin viêm não Nhật Bản cho người dân. Ảnh: Hồng Khánh |
Sau khi tiếp nhận, Trung tâm Y tế Kỳ Sơn đã chuyển tuyến 2 bệnh nhân đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để điều trị. Qua xét nghiệm dịch não tủy cho kết quả cả 2 cháu dương tính với virus viêm não Nhật Bản.
Sau khi phát hiện 2 ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Kỳ Sơn phối hợp cùng trạm y tế các xã tổ chức điều tra dịch tễ, giám sát môi trường quanh khu vực nhà bệnh nhân; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, 2 bệnh nhân đều là con của các gia đình thuộc hộ nghèo, cuộc sống sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn. Trước khi mắc bệnh, cả 2 trẻ đều chưa được tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản... Các đơn vị y tế và cấp ủy, chính quyền và đoàn thể tại các địa phương đang tổ chức phun hóa chất xử lý môi trường, giám sát véc-tơ truyền bệnh, rà soát trẻ chưa tiêm đủ mũi vắc-xin để tiêm bổ sung. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện vệ sinh môi trường chỗ ở sạch sẽ, thường xuyên theo dõi sức khỏe, khi có dấu hiệu sốt, đau đầu, buồn nôn, thay đổi ý thức, cần đưa đến cơ sở y tế kịp thời. Cho đến nay, trên địa bàn chưa phát hiện thêm ca bệnh mới.
 |
Cán bộ y tế hỗ trợ người dân giặt màn bằng hóa chất để phòng, chống muỗi, hạn chế tác nhân trung gian truyền bệnh. Ảnh: Hồng Khánh |
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây nhiễm trùng nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương ở trẻ em và người lớn, tỷ lệ tử vong từ 25% đến 35%. Nhiều bệnh nhân dù khỏi bệnh vẫn để lại di chứng nặng như: Rối loạn tâm thần, vận động, nghe kém, thậm chí bại liệt, mất khả năng lao động.
Hiện nay, viêm não Nhật Bản chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng. Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
HIẾU AN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.