Mới đây, tại cuộc họp với Bộ Y tế về phòng, chống SXH, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội cho biết: Trong 3 tuần gần đây, số ca mắc mới luôn ở mức hơn 3.400 trường hợp; số nhập viện dao động từ 2.600 đến 3.100 người, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Ngành y tế cũng đã triển khai nhiều biện pháp cùng người dân tích cực phòng, chống SXH. Sở Y tế TP Hà Nội đã phối hợp với nhiều cơ quan, ban, ngành tăng cường các biện pháp diệt bọ gậy, quyết định thành lập 6 đoàn thanh tra, trong ngày 17-8 đã kiểm tra "nóng" công tác phòng, chống SXH tại 12 quận, huyện trên địa bàn thành phố có số ca mắc SXH cao (Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Oai, Thường Tín, Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì, Thanh Xuân). 30 quận, huyện trong thành phố cũng đã thành lập tổ xung kích diệt bọ gậy, phun hóa chất cùng các biện pháp phòng, chống quyết liệt. Toàn thành phố đã thành lập hơn 4.600 đội giám sát trong công tác phòng, chống SXH. Hà Nội cũng đã được 22 tỉnh cho mượn máy phun công suất cao đặt trên ô tô, 10 máy ủ nóng, 180 máy phun đeo vai.

Tại phiên họp ngày 18-8, sau khi nghe Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh thành phố báo cáo tình hình SXH và công tác phòng, chống, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị-xã hội từ thành phố đến cơ sở thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh SXH trên địa bàn. Phải xác định công tác phòng, chống SXH là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động mọi lực lượng, triển khai quyết liệt các giải pháp tối ưu; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về phòng, chống SXH bằng nhiều hình thức, phổ biến kiến thức để nhân dân nhận thức đúng và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Thực hiện các đợt cao điểm vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng theo kế hoạch của thành phố bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Tổ chức tốt hoạt động của các đội phòng, chống dịch cơ động; đội xung kích diệt bọ gậy tại các xã, phường, thị trấn. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống SXH tại địa phương. Kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức không hợp tác phòng, chống SXH. Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị bố trí lực lượng tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi; phòng, chống SXH tại địa phương đóng quân.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu Sở Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chỉ đạo, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch; hướng dẫn các bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tổ chức các điều kiện tốt nhất để điều trị bệnh nhân SXH theo đúng phác đồ. Kịp thời tổng hợp tình hình, số lượng bệnh nhân để có giải pháp phân tuyến điều trị, chuyển bệnh nhân nhẹ về tuyến y tế cơ sở, nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

 Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ở giai đoạn đầu của SXH, người bệnh chỉ có biểu hiện sốt nên dễ nhầm với sốt virus. Do đó, người dân khi có biểu hiện sốt, nghi ngờ SXH phải đến bệnh viện để khám, làm test nhanh. Khi chưa test loại trừ SXH và có những dấu hiệu đau cơ, đau đầu..., người dân tuyệt đối không tự ý mua thuốc aspirin và ibuprofen về dùng. Trong phác đồ điều trị SXH, người dân chỉ nên dùng paracetamol để hạ sốt; tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng/24 giờ (trẻ em dùng liều 10-15mg/kg), cứ 4-6 giờ uống một lần khi sốt từ 38,5 độ trở lên...


THU HƯƠNG