Cụ thể đến nay Hà Nội có 11/42 bệnh viện công lập đã hoàn thành triển khai bệnh án điện tử, gồm: Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai, Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức, Bệnh viện Nhi Hà Nội (đạt 26,2%).
100% các cơ sở y tế công lập đã triển khai đón tiếp khám chữa bệnh bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, VNeID thay thế thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).
 |
Triển khai kiosk đăng ký khám bệnh tự động tại Bệnh viện Đức Giang. Ảnh: congannhandan.com.vn |
Bệnh án điện tử là hệ thống quản lý toàn bộ thông tin sức khỏe của người dân trong quá trình khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, bao gồm thông tin cá nhân, lịch sử khám bệnh, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và đơn thuốc... được lưu trữ, cập nhật liên tục bằng phương tiện điện tử.
Bên cạnh lợi ích đối với người dân, bệnh án điện tử còn giúp cơ sở y tế tiết kiệm chi phí vận hành và bảo quản hồ sơ giấy. Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, bệnh án điện tử được bắt đầu triển khai thí điểm từ năm 2021. Đến nay, bệnh viện đã triển khai đồng bộ các giải pháp tích hợp đăng ký khám bệnh bằng nhận diện khuôn mặt, bệnh nhân được xác thực danh tính trong lần đầu đăng ký khám bằng căn cước công dân gắn chíp và thẻ BHYT.
Ngoài bệnh án điện tử, Hà Nội có 5 bệnh viện triển khai Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) gồm: Tim Hà Nội, Phụ sản Hà Nội, Ung Bướu Hà Nội, Xanh Pôn và Thanh Nhàn. Đặc biệt, ngành Y tế Hà Nội bước đầu thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Đức Giang.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế là xu hướng phát triển tất yếu, việc này rất có lợi cho người dân, có ích cho ngành y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề, là một nội dung quan trọng có ý nghĩa thực tiễn. Trong đó có việc triển khai bệnh án điện tử là bước đột phá quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số của ngành y tế.
Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập khẩn trương triển khai bệnh án điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ hoàn thành trước ngày 30-9-2025.
THÁI SƠN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.