Người mang thai ở tuần 37 bị sốt cao, đi khám ở nhiều cơ sở y tế nhưng không phát hiện ra SXH. Bệnh nhân vào khoa trong tình trạng sốt cao liên tục, đau bụng, tiểu cầu xuống thấp, được vào phòng cấp cứu và theo dõi đặc biệt. Trong quá trình bệnh nhân chuyển dạ, các bác sĩ của Khoa Truyền nhiễm đã phối hợp với Khoa Sản và Khoa Huyết học liên tục truyền khối tiểu cầu cho bệnh nhân. Kết quả, bé gái nặng 2,8kg đã ra đời an toàn và sau đó người mẹ được đưa về Khoa Truyền nhiễm để tiếp tục điều trị. Vài ngày sau, bệnh nhân được xuất viện. Người bệnh mang thai ở tuần 39 sống trong vùng dịch tễ có SXH, nhập viện trong ngày sốt thứ 3. Sau 3 ngày theo dõi tại khoa, bệnh nhân đã chuyển dạ sinh con an toàn.

Hiện Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho khoảng 10 bệnh nhân mang thai bị SXH. Từ đầu vụ dịch đã có 3 ca chuyển dạ thành công ngay tại bệnh viện. Vụ dịch năm 2015, Khoa Truyền nhiễm cũng đã điều trị SXH thành công cho khoảng 100 bệnh nhân mang thai, vì vậy phụ nữ mang thai không nên quá lo lắng khi mắc SXH. 

Tuy nhiên, việc điều trị các bệnh phối hợp nói chung và SXH nói riêng cho phụ nữ mang thai thường rất khó tiên lượng nên cần phải theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế có đầy đủ các chuyên khoa khác cùng phối hợp như sản, huyết học, hồi sức... để kịp thời xử trí khi có biến chứng xảy ra. Trong quá trình điều trị cũng cần thận trọng khi chỉ định dùng thuốc (truyền dịch, truyền máu, thuốc hạ sốt, kháng sinh…) vì những ảnh hưởng đối với thai. Ngay cả các loại thuốc có thể chỉ định dễ dàng cho bệnh nhân khác thì khi sử dụng cho thai phụ vẫn phải có sự thống nhất của bác sĩ truyền nhiễm và bác sĩ sản khoa. Phụ nữ đang mang thai cần cố gắng phòng tránh SXH, nên mặc quần áo dài, chân đi tất, ngủ màn tuyệt đối, thoa kem để tránh muỗi đốt, dùng hương muỗi, bình xịt muỗi… để đuổi và diệt muỗi. Các vật dụng đựng nước sạch dùng trong sinh hoạt phải được che đậy tránh muỗi đẻ trứng và nên thay nước hằng tuần để diệt lăng quăng...

Bác sĩ ĐOÀN THU TRÀ (Bệnh viện Bạch Mai)