Theo tờ trình của Chính phủ: Việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước về công tác BHYT. Đồng thời, khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật BHYT hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong tình hình mới.

leftcenterrightdel
Quang cảnh phiên họp chiều 22-8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Theo đó, Chính phủ đề nghị UBTVQH xem xét cho phép bổ sung dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp (Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV). Cụ thể, dự án luật sửa đổi tập trung vào 4 chính sách gồm: Điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối Quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; điều chỉnh các quy định về BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh BHYT; phân bổ sử dụng Quỹ BHYT hiệu quả.

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT là nội dung cấp bách. Các ý kiến bày tỏ đồng tình bổ sung dự án luật vào chương trình kỳ họp Quốc hội dịp cuối năm. 100% thành viên UBTVQH có mặt đã biểu quyết đồng ý bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ tám.

Chiều cùng ngày, UBTVQH xem xét đề nghị ban hành Nghị quyết quy định một số nội dung liên quan đến các Nghị quyết của UBTVQH về phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là đô thị giai đoạn 2023-2025.

MINH ĐỨC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.