Triển khai đồng bộ, chặt chẽ từ chiến sĩ vệ sinh, y tá, y sĩ tiểu đoàn, bệnh xá trung đoàn, sư đoàn đến tuyến bệnh viện. Ở tuyến đơn vị, tất cả những trường hợp có sốt, đau họng, ho khàn tiếng phải được chuyển về bệnh xá để khám, theo dõi và điều trị. Không được để điều trị tại tuyến đại đội, tiểu đoàn. Nếu có xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen phải được theo dõi điều trị tại tuyến bệnh viện quân y cao nhất…
Các tuyến bệnh xá, khoa khám bệnh, khoa truyền nhiễm các bệnh viện quân y, bệnh nhân tuyến dưới chuyển lên phải được theo dõi chặt chẽ và khám xét toàn diện. Cần lưu ý về ý thức, mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, phát hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng và làm xét nghiệm nhuộm soi dịch nhầy họng; hỏi kỹ về tiền sử bệnh (đã được tiêm vaccine bạch hầu chưa) và chú ý đến yếu tố dịch tễ (tại đơn vị, địa phương nơi đóng quân, nơi đi công tác có lưu hành bệnh bạch hầu hay không). Trường hợp bệnh nhân nghi ngờ mắc bạch hầu phải báo cáo ngay với quân y cấp trên và báo cáo về Cục Quân y theo quy định.
Các tuyến đơn vị, bệnh xá, bệnh viện quân khu và quân đoàn nếu nghi ngờ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ mắc bạch hầu phải sử dụng kháng sinh phổ rộng ngay lập tức, tốt nhất là Azythromycin 500mg với liều 40-50mg/kg/ngày, liều tối đa 2 gram/ngày trong 7 ngày và các thuốc điều trị triệu chứng. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu kịp thời sẽ làm giảm biến chứng và nguy cơ tử vong.
Tất cả các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi khuẩn bạch hầu hoặc bệnh nhân có diễn biến nặng như có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt... phải chuyển ngay - chuyển vượt tuyến về bệnh viện cao nhất, gần nhất, tùy theo từng trường hợp cụ thể. Nếu có kháng độc tố bạch hầu cần sử dụng luôn cho các trường hợp nghi ngờ với liều phù hợp: Thể nhẹ: 20.00-40.000UI; thể vừa: 40.000-60.000UI; thể nặng và muộn: 80.000-100.000UI. Chú ý thử phản ứng trước khi tiêm. Trường hợp bệnh nhân có sốc nhiễm trùng nhiễm độc, không đủ điều kiện vận chuyển phải báo cáo trực tiếp với quân y cấp trên và Cục Quân y để được hỗ trợ về hồi sức, điều trị, vận chuyển của chuyên gia và phương tiện tuyến trên.
Nếu đơn vị có dịch phải thực hiện các biện pháp chống dịch: Người mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly nghiêm ngặt tại cơ sở điều trị. Người tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm bạch hầu cũng phải cách ly trong thời gian 14 ngày tại đơn vị. Tăng cường giám sát phát hiện ca bệnh mới. Hạn chế tập trung đông người và không giao lưu với đơn vị khác. Tất cả cán bộ, nhân viên, chiến sĩ phải dùng ca, cốc, bát uống nước riêng của từng người, không được dùng chung; súc họng bằng nước muối 0,9%: 2 lần/ngày (vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ), rửa tay bằng xà phòng; nhỏ mũi buổi tối hàng ngày bằng dung dịch Gentamicin sulfat 0,3%.
Tổ chức vệ sinh và khử trùng toàn bộ đơn vị. Ban ngày phòng ngủ phải mở hết cửa, đảm bảo thông thoáng, phơi toàn bộ quân tự trang dưới ánh nắng trực tiếp. Thực hiện khử trùng bề mặt giường bệnh nhân nằm, xe chuyên chở bệnh nhân, phòng làm việc của bệnh nhân bằng dung dung dịch Chloramin B nồng độ 0,05% Chlo hoạt tính. Phun khử trùng không khí bằng dung dịch Chloramin B nồng độ 0,25% Chlo hoạt tính xung quanh đơn vị 3 lần/tuần trong tuần đầu tiên, sau đó định kỳ phun 2 lần/tuần cho tới khi đơn vị công bố hết dịch. Điều trị dự phòng cho nhóm tiếp xúc gần, nhóm nguy cơ dùng Azithromycine liều 500mg, uống trong vòng 7 ngày.
Các cơ quan, đơn vị định kỳ tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch cho nhân viên quân y về dịch bệnh do bạch hầu, nhất là về năng lực phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị. Tập trung tập huấn cho nhân viên quân y tuyến tiểu đoàn, trung đoàn; nhân viên khoa khám bệnh, khoa cấp cứu và khoa truyền nhiễm của tuyến bệnh xá, bệnh viện quân y. Các đơn vị và các bệnh viện khi phát hiện ca bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bạch hầu, phải báo cáo ngay lên Cục Quân y và thông báo cho đơn vị của bệnh nhân để kịp thời tổ chức chống dịch.
TIẾN ĐẠT