Hà Nội: 2% người nhiễm Covid-19 đã tiêm vắc xin bệnh chuyển nặng
Từ ngày 11-10 đến nay, Hà Nội bước vào giai đoạn thực hiện nghị quyết số 128 của Chính phủ. Từ ngày 11-10 đến 15-11 Hà Nội ghi nhận 2.723 ca Covid-19 (trung bình 73,59 ca/ngày), trong đó 806 ca ngoài cộng đồng (29,59%), 1.449 tại khu cách ly (53,21%), 447 tại khu phong tỏa (16,41%), 21 ca nhập cảnh (0,79%).
Hiện Hà Nội có 7 bệnh viện đang điều trị người bệnh Covid-19 mức độ vừa, nặng, nguy kịch (1.000 giường), 2 cơ sở thu dung điều trị người bệnh Covid-19 nhẹ, không triệu chứng (1.600 giường).
Đến ngày 9-11, các quận, huyện, thị xã đã tiêm được 6.098.466 mũi 1/6.543.328 người (đạt 93,2% dân số trên 18 tuổi và 70,09% tổng dân số), tiêm được 4.411.813 mũi 2 (đạt 67,4% dân số trên 18 tuổi và 50,7% tổng dân số).
Từ ngày 11-10 đến 7-11, các cơ sở điều trị của Hà Nội đã tiếp nhận 919 ca Covid-19. Trong đó: 217 người chưa tiêm vắc xin (23,61%) bao gồm 112 người dưới 18 tuổi (12,18%); 702 người tiêm vắc xin (chiếm 76,38%; gồm 237 người bệnh tiêm mũi 1 và 465 người bệnh tiêm đủ 2 mũi).
Theo mức độ lâm sàng: 701 người bệnh không có triệu chứng (76,3%), 194 người bệnh có triệu chứng vừa (21,1%), 24 người có triệu chứng nặng (2,6%), Trong số người đã tiêm vắc xin, 72,6% là người không có triệu chứng, 25,4% có triệu chứng mức độ vừa và 2% mức độ nặng.
Tỉ lệ người đã tiêm vắc xin diễn biến nặng (2%) thấp hơn đáng kể so với tỉ lệ người chưa tiêm vắc xin diễn biến nặng (4,6%). Hà Nội cho rằng từ thực tế lâm sàng, những người đã tiêm vắc xin (1 hoặc 2 mũi) vẫn có thể mắc Covid-19 nhưng triệu chứng lâm sàng nhẹ hơn so với người chưa tiêm.
Thêm hơn 2 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 Pfizer về Việt Nam
Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) cho biết, đến ngày 27-11, Việt Nam đã tiếp nhận 30,17 triệu liều vắc xin Covid-19 do COVAX hỗ trợ.
Lô vắc xin mới nhất với hơn 2 triệu liều vắc xin Covid-19 Pfizer đã đến Hà Nội ngày 25-11 do Chính phủ Mỹ tài trợ thông qua COVAX.
Đây là đợt chuyển giao đầu tiên trong số 8,61 triệu liều vắc xin Pfizer do Chính phủ Mỹ mua và vận chuyển đến Việt Nam.
Đến nay Mỹ đã trao tặng hơn 18 triệu liều vắc xin thông qua cơ chế COVAX, như một phần cam kết kiên định của chúng tôi trong việc hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19.
 |
Tăng cường công tác xét nghiệm Covid-19 tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Ảnh: TTXVN. |
TP Hồ Chí Minh hướng dẫn mới về xét nghiệm cho người đi làm
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản cập nhật hướng dẫn tổ chức xét nghiệm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở (gọi chung là cơ sở lao động) trên địa bàn.
Theo đó, các cơ sở lao động thực hiện nghiêm việc tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động, khi có một trong các triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở... hoặc có yếu tố dịch tễ.
Khi bắt đầu tổ chức lại hoạt động sản xuất với công suất 100% người lao động quay lại làm việc, các đơn vị thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh (mẫu gộp 3-5) hoặc xét nghiệm RT-PCR (mẫu gộp 10-20). Tùy theo cấp độ dịch của Thành phố, các cơ sở lao động tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên định kỳ bằng hình thức xét nghiệm kháng nguyên nhanh (mẫu gộp 3-5) hoặc xét nghiệm RT-PCR (mẫu gộp 10-20).
Cụ thể, nếu TP Hồ Chí Minh ở cấp độ 1 và 2 thì sẽ xét nghiệm 20% người lao động có nguy cơ cao 1 tuần/lần. Nếu ở cấp độ 3 và 4, xét nghiệm 30% người lao động có nguy cơ cao 2 tuần/lần.
Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 và người đã khỏi bệnh trong thời gian 6 tháng, các cơ sở lao động chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ. Đồng thời thực hiện xét nghiệm các trường hợp cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).
Nghệ An dịch Covid-19 diễn biến phức tạp
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An cho biết, từ 18 giờ ngày 26-11 đến 6 giờ ngày 27-11 tại 12 huyện, thị xã trên địa bàn Nghệ An phát hiện 48 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 8 trường hợp trong khu vực phong tỏa, 24 trường hợp là F1, 16 trường hợp từ các tỉnh phía Nam trở về.
Như vậy, tính đến 6 giờ ngày 27-11 tại 21 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh Nghệ An đã có 4.262 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện. Toàn tỉnh cũng đã ghi nhận 3.152 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh, ra viện; 27 bệnh nhân tử vong.
Tại Nghệ An, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều trường hợp dương tính trong cộng đồng và ở khu vực phong tỏa. Trong khi đó, tại một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là, không tuân thủ nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch.
6 công ty dược Việt Nam đăng ký sản xuất thuốc kháng virus Molnupiravir
Bộ Y tế cho biết, đến ngày 26-11, có 6 công ty dược trong nước đã nộp hồ sơ về bộ đăng ký sản xuất thuốc kháng virus Molnupiravir. Trong nước hiện chưa cấp số đăng ký thuốc Molnupiravir và đây là thuốc mới, Bộ Y tế cho biết đang rà soát các điều kiện về pháp lý, chuyên môn để trình Chính phủ chấp thuận cho cấp phép trong tình huống phòng chống dịch khẩn cấp, với một số điều khoản về hồ sơ được rút gọn. Nếu được Chính phủ đồng ý, dự kiến có 6 số đăng ký được cấp cho 6 thuốc Molnupiravir do các công ty dược trong nước sản xuất.
Nguyên liệu sản xuất thuốc Molnupiravir hiện cũng đã có từ nguồn nhập khẩu. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết cơ quan này đã cấp phép cho 39 doanh nghiệp nhập nguyên liệu sản xuất thuốc kháng virus Molnupiravir.
Trong số thuốc có tác dụng kháng vi rút (giảm tải lượng virus gây Covid-19), Molnupiravir là thuốc được Bộ Y tế mới cập nhật tại hướng dẫn điều trị ban hành ngày 6-11. Đây là thuốc dùng đường uống, thuận lợi cho người bệnh sử dụng khi có chỉ định điều trị tại nhà. Thuốc sử dụng cho người lớn mắc Covid-19 triệu chứng nhẹ và trung bình, giúp giảm nguy cơ tăng nặng. Hiện 36 tỉnh, thành đã sử dụng thuốc này cho bệnh nhân Covid-19.
Theo Bộ Y tế, về các thuốc sử dụng trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, trong nước đã chủ động sản xuất đảm bảo khoảng 70%.
Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn diễn biến phức tạp
Tại Sóc Trăng ghi nhận 588 ca mắc mới. Cộng dồn đến nay là 14.942 trường hợp. Tỉ lệ tiêm mũi 1 đạt 92, 63%, còn mũi 2 là 76,19%.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng đã triển khai cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp F1, quản lý người nhiễm Covid-19 có tải lượng virus thấp.
Tại TP Cần Thơ ghi nhận 1.067 trường hợp nhiễm mới. Đồng thời, thành phố triển khai nhanh chóng việc tiêm chủng vắc xin cho người dân, tính đến nay có 1.821.262 liều vắc xin Covid-19 đã tiêm cho các đối tượng; trong đó, số người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 là người 917.594, đạt tỷ lệ 96,8%; được tiêm mũi 2 là 818.077 người, đạt tỷ lệ 86,3%; số trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm mũi 1 là 85.591, đạt tỷ lệ 75,9%.
Hiện nay, thành phố Cần Thơ vẫn tiếp tục đồng loạt triển khai tiêm chủng vắc xin diện rộng trên toàn địa bàn thành phố, nhằm đảm bảo hoàn thành sớm nhất kế hoạch tiêm chủng đã đề ra. Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh công tác xét nghiệm trọng điểm tại các khu vực nguy cơ cao, nguy cơ rất cao nhằm nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Ở An Giang, ngày 26-11, phát hiện 324 trường hợp mắc Covid-19. Tổng số trường hợp mắc Covid-19 từ ngày 15-4 đến nay là 22.399 trường hợp.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh An Giang đề nghị tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cửa ngõ ra vào của tỉnh và tại các nhà trọ, cơ sở lưu trú của địa bàn quản lý. Đồng thời, tăng cường kiểm soát các khu cách ly tập trung, cơ sở điều trị, không để xảy ra tình trạng người trốn khỏi khu cách ly và lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế.
Tại Đồng Tháp ghi nhận 601 ca mắc mới. Trong đó, về từ vùng dịch 20 ca, 103 ca trong các cơ sở cách ly y tế, 253 ca trong khu phong tỏa, 225 ca trong cộng đồng.
Khánh Hòa ghi nhận 124 ca mắc mới
Sáng 27-11, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Khánh Hòa, từ 17 giờ ngày 26-11 đến 7 giờ sáng 27-11, toàn tỉnh ghi nhận 124 ca mắc mới.
Tính từ ngày 23-6 đến 7 giờ ngày 27-11, tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 12.781 ca mắc Covid-19. Trong đó, Nha Trang nhiều nhất với 6.302 ca, Ninh Hoà 2.727 ca, Diên Khánh 1.527 ca, Vạn Ninh 1.011 ca, Cam Ranh 682 ca, Cam Lâm 379 ca, Khánh Vĩnh 143 ca, Khánh Sơn 10 ca. Toàn tỉnh đã truy vết được 18.084 F1 và 17.159 F2; phong tỏa tạm thời 31 địa điểm; lấy 1.037.118 mẫu xét nghiệm PCR và 5.470.489 mẫu test nhanh kháng nguyên. Cũng theo CDC Khánh Hòa, từ ngày 22-7 đến nay, có 96 bệnh nhân tử vong liên quan đến Covid-19.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, trong ngày 26-11, có 1.678 người trên 18 tuổi đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đến nay, tổng số người trên 18 tuổi tiêm vắc xin đạt gần 99%, trong đó số người tiêm mũi 2 đạt hơn 93,5%, tỉnh đã tổ chức tiêm vắc xin cho hơn 32.000 học sinh THPT; đồng thời, đã và đang triển khai tiêm cho khoảng 57.500 học sinh THCS. Toàn tỉnh có 616 thôn, tổ dân phố bình thường mới “vùng xanh”; 115 thôn, tổ dân phố nguy cơ “vùng vàng”, 105 thôn, tổ dân phố vùng nguy cơ cao “vùng cam”; 138 thôn, tổ dân phố nguy cơ rất cao “vùng đỏ”.
THÁI SƠN