Cả nước thêm 9.889 ca nhiễm mới; 5.163 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 16 giờ ngày 20-11 đến 16 giờ ngày 21-11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.889 ca nhiễm mới, trong đó 7 ca nhập cảnh và 9.882 ca ghi nhận trong nước (tăng 364 ca so với ngày trước đó) tại 57 tỉnh, thành phố (có 5.361 ca trong cộng đồng).

leftcenterrightdel
 

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP Hồ Chí Minh (1.265), Bình Dương (683), Đồng Nai (604), Bà Rịa - Vũng Tàu (541), Đồng Tháp (508), Bình Thuận (493), Tây Ninh (410), Sóc Trăng (399), Kiên Giang (361), Bạc Liêu (356), Cần Thơ (341), Cà Mau (330), Vĩnh Long (311), Trà Vinh (260), An Giang (242), Bến Tre (220), Hà Nội (216), Hậu Giang (193), Khánh Hòa (170), Bình Phước (155), Quảng Nam (143), Tiền Giang (143), Bình Định (123), Hà Giang (121), Thừa Thiên Huế (119), Bắc Ninh (116), Vĩnh Phúc (101), Long An (93), Lâm Đồng (85), Nghệ An (83), Nam Định (68), Bắc Giang (68), Thái Bình (53), Quảng Ngãi (47), Phú Thọ (42), Quảng Bình (42), Ninh Thuận (38), Đà Nẵng (37), Hải Dương (35), Thanh Hóa (35), Đắk Nông (32), Hà Tĩnh (31), Tuyên Quang (29), Hà Nam (24), Điện Biên (17), Quảng Ninh (17), Quảng Trị (14), Gia Lai (13), Ninh Bình (12), Cao Bằng (9), Hưng Yên (9), Lạng Sơn (8), Phú Yên (8), Hòa Bình (4), Thái Nguyên (2), Hải Phòng (2), Yên Bái (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk giảm 205 ca, Bình Phước giảm 101 ca, Tiền Giang giảm 100 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP Hồ Chí Minh tăng 219 ca, Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 171 ca, Cần Thơ tăng 140 ca. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 9.616 ca/ngày.

Về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.094.514 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 11.107 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.089.411 ca, trong đó có 902.683 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Yên Bái, Bắc Kạn. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (456.372), Bình Dương (248.020), Đồng Nai (82.292), Long An (37.324), Tiền Giang (23.867).

Về điều trị, hôm nay cả nước có 5.163 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.971 ca, trong đó thở ô xy qua mặt nạ: 3.399 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 978 ca; thở máy không xâm lấn: 128 ca; thở máy xâm lấn: 458 ca; ECMO: 8 ca.

Về tình hình xét nghiệm. trong 24 giờ qua đã thực hiện 108.677 xét nghiệm cho 188.844 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ ngày 27-4 đến nay đã thực hiện 24.913.020 mẫu cho 65.891.104 lượt người.

Về tiêm chủng, trong ngày 20-11 có 1.298.149 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 107.861.131 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 66.706.890 liều, tiêm mũi 2 là 41.154.241 liều.

76 ca tử vong do Covid-19

Bộ Y tế cho biết, hôm nay cả nước ghi nhận 76 ca tử vong. Cụ thể, tại Bình Dương (15), Long An (8 ), An Giang (7), Đồng Nai (7), Tiền Giang (6), Cần Thơ (6), Tây Ninh (5), Kiên Giang (5), Sóc Trăng (4), Bạc Liêu (4), Bình Thuận (3), Đồng Tháp (2), Vĩnh Long (2), Quảng Ngãi (1), Cà Mau (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 97 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.761 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đắk Lắk ghi nhận thêm 102 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh cho biết, ngày 21-11 Đắk Lắk ghi nhận thêm 102 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó, có 45 trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng, 57 trường hợp mắc bệnh được cách ly tại nhà.

Cũng trong ngày 21-11, toàn tỉnh có thêm 11 bệnh nhân Covid-19 đã được điều trị khỏi, đủ điều kiện xuất viện để tiếp tục theo dõi và giám sát sức khỏe tại nhà.

Như vậy, tính đến chiều 21-11, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 6.801 trường hợp mắc Covid-19, trong đó đang điều trị 2.596 trường hợp, 36 trường hợp tử vong và 4.169 bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh.

Khánh Hòa ghi nhận thêm 112 ca dương tính với SARS-CoV-2

Chiều 21-11, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Khánh Hòa, từ 7 giờ đến 16 giờ, toàn tỉnh ghi nhận thêm 112 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Theo đó, Nha Trang 52 ca, Cam Ranh 10 ca, Ninh Hoà 4 ca, Vạn Ninh 2 ca, Diên Khánh 39 ca, Cam Lâm 2 ca, Khánh Vĩnh 3 ca. Trong các ca mắc mới, ghi nhận 53 ca mắc tại cộng đồng ở  Nha Trang (23 ca), Ninh Hoà (1 ca), Diên Khánh (29  ca). Theo CDC Khánh Hòa, từ ngày 23-6 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 11.416 ca mắc Covid-19. Trong đó, Nha Trang 5.740 ca, Ninh Hòa 2.544 ca, Diên Khánh 1.146 ca, Vạn Ninh 983 ca, Cam Ranh 565 ca, Cam Lâm 310 ca, Khánh Vĩnh 127 ca, Khánh Sơn 1 ca. Toàn tỉnh đã truy vết được 16.207 F1 và 16.324 F2; phong tỏa tạm thời 40 địa điểm.

Từ ngày 22-7 đến nay, có 9.173 bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được điều trị khỏi bệnh và xuất viện, chiếm gần 82% số ca mắc. Hiện tại có 2.104 bệnh nhân mắc Covid-19 đang được điều trị; có 94 bệnh nhân tử vong liên quan đến Covid-19.

Thanh Hóa ghi nhận 35 bệnh nhân mắc Covid-19

Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa, ngày 21-11, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 35 bệnh nhân mắc Covid-19 mới.

Hiện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp đang khẩn trương truy vết, nhằm phát hiện và tách F0 sớm nhất ra khỏi cộng đồng.

Tính từ ngày 27-4-2021 đến nay, Thanh Hoá ghi nhận 1.867 bệnh nhân Covid-19 cộng dồn; 1.055 người điều trị khỏi được ra viện; 12 bệnh nhân tử vong. Tính từ 24-10 đến ngày 11-11, cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh hoá đã tiếp nhận điều trị cho 167 bệnh nhân Covid-19, trong đó 166 bệnh nhân đã khỏe mạnh, ra viện, 1 bệnh nhân tử vong với chẩn đoán viêm phổi nặng do nhiễm SARS-CoV-2 ngày thứ 17, trên nền ung thư trực tràng giai đoạn cuối, di căn gan/nền sơ gan cổ trướng; 4 bệnh nhân cuối cùng đã được chuyển về địa phương tiếp tục theo dõi sức khỏe. Kể từ ngày 22-11, Bệnh viện Ung bướu tạm dừng tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19, trở lại trạng thái ban đầu, tập trung điều trị cho các bệnh nhân ung bướu.

Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai tiêm được hơn 2 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Trong 24 giờ qua đã thực hiện xét nghiệm bằng RT-PCR 13.049 mẫu tại các đơn vị y tế trong tỉnh.

Đà Nẵng ghi nhận 37 ca mắc Covid-19

Chiều 21-11, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố cho biết, trong ngày, Đà Nẵng ghi nhận 37 ca mắc Covid-19, gồm 7 ca cách ly tập trung, 19 ca cách ly tại nhà, 1 ca trong khu phong tỏa, 2 ca tại chốt kiểm dịch, 8 ca chưa cách ly. 

Số ca mắc trong ngày liên quan đến 14 chuỗi lây nhiễm, 11/14 chuỗi hiện đang có nguy cơ cao. 21/37 ca mắc trong ngày đều có khả năng lây lan cho cộng đồng, tập trung tại 6 quận, huyện, gồm: quận Liên Chiểu (6 ca), quận Hải Châu (5 ca), huyện Hòa Vang (4 ca), quận Thanh Khê (2 ca), quận Sơn Trà (2 ca), quận Cẩm Lệ (1 ca) và 1 ca về từ ngoại tỉnh.

Trong ngày, lực lượng chuyên môn tổ chức lấy mẫu xét nghiệm 6.131 lượt người, trong đó xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR 5.253 lượt người và test nhanh 675 lượt người.

Về công tác tiêm vắc xin, đến nay thành phố tiếp nhận 1.512.916 liều vắc xin; đã tiêm 1.514.384 mũi, trong đó có 914.985 người tiêm mũi 1 và 599.399 người tiêm mũi 2. Toàn thành phố đang thiết lập 87 khu vực phong tỏa với 976 hộ (3.928 nhân khẩu); duy trì 18 cơ sở cách ly tập trung, thực hiện cách ly 834 người.

Tính từ ngày 16-10 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 503 ca mắc Covid-19, trong đó 70 ca về từ ngoại tỉnh.

Cả nước đã tiêm gần 108 triệu liều vắc xin phòng Covid-19

Cập nhật trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, tính đến 18 giơ ngày 21-11, cả nước đã tiêm được gần 108 triệu liều vắc xin phòng Covid-19.

Trong đó, tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vắc xin là gần 90% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vắc xin là khoảng gần 56% dân số từ 18 tuổi trở lên. Có 58 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 20 tỉnh đạt tỷ lệ trên 95% là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.

Còn 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin dưới 70% dân số từ 18 tuổi trở lên là Thanh Hóa (53,6%), Sơn La (56,8%), Nghệ An (61,1%), Nam Định (64,4%) và Quảng Bình (68,4%). Bộ Y tế đã tiếp tục phân bổ vắc xin cho các địa phương này để tăng nhanh diện bao phủ tiêm chủng.

Hiện đã có 29/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong đó 4 tỉnh có tỷ lệ bao phủ trên 90% là Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đồng Nai và Long An.

leftcenterrightdel
Học sinh có độ tuổi từ 12-14 được tiêm vắc xin mũi 1 tại Hà Nam. Ảnh: TTXVN 

34 tỉnh, thành đã triển khai điều trị có kiểm soát thuốc kháng virus Molnupiravir cho bệnh nhân Covid-19

Cục Khoa học- Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, số tỉnh, thành phố điều trị có kiểm soát bằng thuốc kháng virus Molnupiravir cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ và không triệu chứng tại nhà hiện đã  lên 34 (đầu tháng 11 là 22 tỉnh, thành phố).

TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước sử dụng thuốc này cho điều trị F0 nhẹ và không triệu chứng tại nhà.

Bộ Y tế vừa cấp phát cho TP Hồ Chí Minh thêm 5.000 liều thuốc Molnupiravir để kịp thời điều trị người bệnh Covid-19. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, để xin cấp thêm 100.000 liều thuốc Molnupiravir dùng điều trị bệnh nhân Covid-19.

Từ khi TP Hồ Chí Minh thí điểm điều trị có kiểm soát bằng thuốc Molnupiravir, Bộ Y tế đã cấp 110.000 liều (gồm 50.000 liều Molnupiravir 400 mg Stella Việt Nam và 60.000 liều Molnupiravir 200 mg Optimus Ấn Độ).

Theo đó các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ do Bộ Y tế triển khai tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lê bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%; 

Tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong.

Các kết quả rất khả quan của chương trình đã đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch của TP HCM và các địa phương có dịch.

Ngày mai (22-11), TP Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi

Ngày 21-11, tin từ TP Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày mai (22-11) TP Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi. Thời gian tiêm dự kiến diễn ra đến hết ngày 28-11.

Theo kế hoach của Sở Y tế, TP Hồ Chí Minh, mũi 2 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi sinh sống, học tập tại TP Hồ Chí Minh và đã tiêm mũi 1 đủ thời gian, kể cả trẻ tiêm mũi 1 tại tỉnh, thành khác.

Tiêm vét mũi 1 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi sống và học tập tại TP Hồ Chí Minh nhưng chưa tiêm trong đợt 1 do phải hoãn tiêm; trẻ mới tròn 12 tuổi; trẻ mới có đồng thuận tham gia tiêm chủng, trẻ mới trở về TP Hồ Chí Minh...

Về kế hoạch tiêm, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị các đơn vị rà soát, thống kê số lượng và lập danh sách trẻ từ 12-17 tuổi cần tiêm vắc xin Covid-19.

Hà Nam triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-14 tuổi

Ngày 21-11, tỉnh Hà Nam triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-14 tuổi đang sống và học tập trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, toàn tỉnh có hơn 37.200 trẻ thuộc độ tuổi trên sẽ được tiêm.

Để bảo đảm an toàn tiêm chủng và phòng, chống dịch Covid-19, Sở Y tế Hà Nam đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện cấp phát vắc xin cho trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố  theo kế hoạch, đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát hỗ trợ công tác chuẩn bị và triển khai tiêm chủng tại các địa phương. Các trung tâm y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai tiêm chủng cho trẻ từ 12 - 14 tuổi đảm bảo an toàn và đạt tỷ lệ cao; phối hợp với ngành công an rà soát lập danh sách, cấp mã định danh cá nhân cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, bố trí các điểm tiêm chủng phù hợp… Các Trung tâm y tế tổ chức tiếp nhận, bảo quản, sử dụng vắc xin, tổ chức tiêm chủng bảo đảm an toàn; phối hợp tuyên truyền để trẻ trong độ tuổi tham gia tiêm chủng đầy đủ.

Hà Nội chính thức tiếp nhận, điều trị F0 thể nhẹ tại các trạm y tế lưu động

Ngày 21-11, Sở Y tế Hà Nội có công văn khẩn gửi UBND các quận, huyện, thị xã về việc hướng dẫn triển khai cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 tại các quận, huyện, thị xã.

Theo đó, căn cứ theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế về mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch Covid-19 và Công điện số 23/CĐ-UBND ngày 16-11-2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới, Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn triển khai thành lập cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 (gọi là trạm y tế lưu động) không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại các địa bàn xã, phường, thị trấn.

Tại các trạm y tế lưu động này được thu dung, khám, điều trị cho F0 nhẹ, không triệu chứng tại quận, huyện, thị xã; đồng thời phát hiện sớm, xử trí cấp cứu, kịp thời chuyển viện khi người bệnh tiến triển ở mức độ vừa và nặng.

Tại các trạm y tế lưu động không tiếp nhận các F0 là phụ nữ mang thai, người mắc bệnh lý nền; chỉ tiếp nhận F0 không có triệu chứng lâm sàng hoặc mức độ nhẹ, bao gồm các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như: Sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; đồng thời không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ôxy, nhịp thở dưới 20 lần/phút, SpO2 trên 96% khi thở khí trời.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trạm y tế lưu động có 1 xe ô tô chuyên dụng, nhân viên y tế cho 1 kíp có 5 người (gồm: 1 bác sĩ phụ trách, 2 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên, điều dưỡng xét nghiệm và 1 dược sĩ). Căn cứ số lượng người bệnh có thể bố trí kíp nhân lực y tế phù hợp, bảo đảm điều kiện hoạt động của cơ sở.

Tại mỗi trạm y tế lưu động được chia làm 3 khu: Khu vực đón tiếp, phân loại bệnh nhân; khu hành chính, hậu cần; khu cách ly, điều trị. Riêng khu vực cách ly, điều trị được chia làm 2 loại đối tượng người bệnh, đó là phòng điều trị F0 khỏe mạnh, không triệu chứng và phòng điều trị F0 triệu chứng nhẹ: Hắt hơi, sổ mũi, ho khan... Ngoài ra, buồng bệnh bảo đảm thông thoáng, phòng bệnh của nam và nữ riêng biệt...

Dự kiến, Hà Nội sẽ thành lập 508 trạm y tế lưu động, trong đó có 20 trạm y tế xã được đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Thời gian qua, tại nhiều quận, huyện đã tổ chức diễn tập triển khai mô hình trạm y tế lưu động phòng, chống dịch Covid-19. Sáng 19-11, quận Hoàn Kiếm đã vận hành trạm y tế lưu động tại chợ Đồng Xuân để phòng, chống dịch Covid-19.

THÁI AN