Khắc phục những hạn chế, bất cập

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, sau 13 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (2009), công tác khám bệnh, chữa bệnh đã đạt được nhiều kết quả, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý để y học Việt Nam tiếp cận với các kỹ thuật mới, phương pháp mới, kỹ thuật y khoa tiên tiến, hiện đại hàng đầu thế giới. Tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người dân và chuẩn hóa chất lượng của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông qua việc quy định điều kiện tối thiểu để cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề và giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

leftcenterrightdel

Quang cảnh buổi họp báo công bố lệnh của Quyền Chủ tịch nước về Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới

Tuy nhiên, Luật này cũng đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết. Do đó, để khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, sau hơn 05 năm xây dựng, dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh đã được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 9-1-2003 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2024.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh có những nội dung mới gì?

Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 gồm 12 chương và 121 Điều và có những điểm mới cơ bản. Trong đó, nâng cao, chuẩn hóa kỹ năng của người hành nghề: (1) Thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề; (2) Quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề; (3) Quy định người nước ngoài hành nghề hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo; (4) Quy định áp dụng kê đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử và các thông tin này phải kết nối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để kiểm soát, giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

leftcenterrightdel

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Về tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: Thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn; Cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ.

Bên cạnh đó, đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, quy định cụ thể chính sách của Nhà nước trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh: Có chính sách khuyến khích, động viên người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu; Hỗ trợ 100% học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học đối với người học một trong các chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu nếu học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước; Hỗ trợ tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học đối với người học một trong các chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu tương ứng với mức quy định tại điểm (2) khoản này nếu học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân.

Đồng thời, bổ sung một số quy định về tài chính: Bổ sung quy định cụ thể về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, trong đó Luật khẳng định "Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao". Bổ sung quy định về các hình thức huy động nguồn lực, trong đó khẳng định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được: Vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; Thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...

Tin, ảnh: HÀ VŨ