Chuyển đổi số là nền tảng để y tế Việt Nam hướng tới một nền y tế hiện đại, chất lượng

Triển khai Chương trình chuyển đổi số y tế quốc gia theo Nghị quyết số 52-NQ/TƯ ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chuyển đổi số trong y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.  

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội nghị.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chuyển đổi số y tế là nền tảng và động lực để y tế Việt Nam hướng tới một nền y tế hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Thực hiện chuyển đổi số y tế, ngành Y tế phải hoàn thành việc triển khai hệ thống thông tin y tế quốc gia thông qua nền tảng số. Cụ thể, thông tin y tế được thu thập đầy đủ, chất lượng, kịp thời và được chia sẻ theo phân quyền và bảo mật phù hợp cho tất cả cơ sở y tế, cơ quan, doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý; người dân được theo dõi, xét nghiệm, tư vấn chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh kịp thời, mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19, ngành y tế đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả như: Triển khai các phần mềm khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declaration), Bluezone, An toàn Covid-19…

Tất cả người dân đều được quản lý và chăm sóc sức khỏe

Hiện nay, Bộ Y tế đang tiếp tục triển khai nhiều hệ thống thông tin lớn như: Mạng kết nối y tế Việt Nam, nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở kết nối dữ liệu gần 12.000 trạm y tế trên toàn quốc, ứng dụng đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và nhiều ứng dụng khác với mục tiêu hướng tới chuyển đổi số toàn diện ngành y tế.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, sẽ triển khai sáng kiến “mỗi người dân có một bác sĩ riêng” với mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân. Trên cơ sở đó, người dân được bác sĩ tư vấn, chăm sóc như là bác sĩ riêng: Xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, bảo đảm mỗi một người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử và thông tin sức khỏe của người dân được cập nhật kịp thời vào hồ sơ; phát triển hệ thống tiêm chủng, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm… và khai báo sức khỏe cá nhân; các thông tin về cơ sở y tế, bác sĩ, dịch vụ y tế trên môi trường di động, giúp người dân có thể tra cứu thông tin y tế dễ dàng, hiệu quả, mọi lúc, mọi nơi…

leftcenterrightdel
Nhiều bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin trong chẩn đoán, điều trị bệnh cho bệnh nhân.

Theo PGS, TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin như: Tiếp cận các công nghệ số như vạn vật y tế kết nối (IoT), AI, điện toán đám mây (Cloud Computing), phân tích dữ liệu lớn (Big Data)... Đến thời điểm này, 100% bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; có 10 bệnh viện và một phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy. Mục tiêu chuyển đổi số của ngành y tế 5 năm tới là phấn đấu 100% cơ sở y tế trên toàn quốc triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến. Đến năm 2025, 15% (khoảng 210 bệnh viện/1.400 bệnh viện) chuyển đổi số thành công và phấn đấu đến năm 2030, tăng tỷ lệ này lên 50%.  

Cùng với hồ sơ sức khỏe điện tử, ngành y tế cũng đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, xây dựng các phần mềm để quản lý các bệnh mạn tính không lây nhiễm, quản lý tiêm chủng mở rộng và đang xây dựng phần mềm quản lý tiêm chủng vaccine. Bên cạnh đó, việc thực hiện bệnh án điện tử sẽ tạo nhiều thuận lợi cho người dân, cho bệnh viện và cơ quan quản lý. Ngoài ra, việc ứng dụng thông tin hiện đã giúp người dân có thể ở ngồi nhà đăng ký khám chữa bệnh và khi đến khám không phải xếp hàng, chờ đợi. Người dân cũng có thể khám chữa bệnh từ xa tại 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa Telehealth...

THÁI SƠN