Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã đạt được nhiều kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình vẫn còn nhiều hạn chế. Mức sinh giữa các vùng miền còn chênh lệch đáng kể. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng; chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số… Đặc biệt, việc điều chỉnh mức sinh giữa các vùng, địa phương góp phần giảm khoảng cách chênh lệch hoặc làm chậm lại tốc độ gia tăng khoảng cách về thu nhập, mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư, giảm đói nghèo ở các khu vực khó khăn, nơi thường có mức sinh cao.
 |
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phát biểu tại hội thảo. |
Tại hội thảo, ông Mai Trung Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Quy mô DS-KHHGĐ cho biết, Việt Nam vẫn đang có chênh lệch mức sinh rất cao. Hiện nay, cả nước có 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao, chủ yếu ở các tỉnh, thành miền núi phía Bắc (42% dân số); 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chủ yếu ở các tỉnh, thành phía nam (39%). Cả nước chỉ có 9 tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế có quy mô dân số 19%. Các tỉnh, thành phố có mức sinh cao có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.
 |
Toàn cảnh hội thảo. |
Từ năm 2014, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng có mức tăng cao trở lại nhanh như: Nam Định, Bắc Ninh, Ninh Bình, Bắc Trung bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… đang có mức sinh 2,83 con, là vùng có mức sinh cao nhất cả nước. Cả nước chỉ có 9 tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế có quy mô dân số 19% gồm: Ninh Thuận, Quảng Ninh, Bình Định, Lâm Đồng, Phú Yên, Trà Vinh, Hải Phòng, Hà Nội và Bình Phước.
Theo ông Mai Trung Sơn, mức sinh cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục của địa phương và cả nước. Trong khi đó, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Để giải quyết toàn diện các vấn đề phát sinh trong công tác dân số trong thời kỳ mới, theo ông Nguyễn Doãn Tú, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trong Hội nghị lần thứ 6 đã đề ra nghị quyết về công tác dân số trong thời kỳ mới với mục tiêu chung là giải quyết toàn diện các vấn đề dân số về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Tin, ảnh: VƯƠNG THÚY