Theo đó, vaccine Covid-19 Abdala sản xuất thành phẩm tại Công ty AICA Laboraries, Base Business Unit (BBU) AICA - Cuba và được xuất bán thành phẩm, đóng gói cấp 2 tại Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (CIGB) - Cuba.
 |
Y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai tư vấn trước khi tiem vaccine cho người dân. Ảnh: Khánh Phương |
Tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) là nơi đề nghị phê duyệt vaccine Covid-19 Abdala. Vaccine Abdala mỗi liều 0,5ml chứa 50 mcg vaccine protein tái tổ hợp chứa vùng liên kết với thụ thể (RBG) của virus SARS-CoV-2, bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm bắp. Vaccine được đóng gói hộp 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5ml.
Bộ Y tế cũng quy định các điều kiện đi kèm việc phê duyệt Abdala cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Cục Quản lý Dược có trách nhiệm cấp phép nhập khẩu vaccine Abdala theo quy định khi nhận được hồ sơ của cơ sở nhập khẩu, thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý nhập khẩu, quản lý chất lượng vaccine nhập khẩu.
Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo có trách nhiệm lựa chọn đơn vị có đủ điều kiện đánh giá tính an toàn, hiệu quả của vaccine trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế của Bộ Y tế (Hội đồng tư vấn) trong quá trình sử dụng.
Đồng thời, đơn vị này hướng dẫn, chỉ đạo đơn vị có đủ điều kiện quy định tổ chức thực hiện việc đánh giá tính an toàn, hiệu quả của vaccine Abdala trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn trong quá trình sử dụng.
Cục Y tế Dự phòng thực hiện các trách nhiệm liên quan đến tiêm chủng vaccine Abdala được quy định.
Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế có trách nhiệm tiến hành kiểm định và cấp Giấy chứng nhận xuất xưởng lô vaccine Abdala trước khi đưa ra sử dụng.
Sáng 18-9, Hà Nội ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 trong khu vực cách ly và khu phong tỏa
Sở Y tế Hà Nội sáng 18-9 cho biết, trong 12 giờ qua thành phố ghi nhận thêm 2 ca mắc Covid-19, trong đó có một ca tại khu cách ly và 1 ca tại khu phong tỏa.
Đó là, bệnh nhân N.T.M.T, 50 tuổi, ở phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân. Bệnh nhân sống trong khu vực phong tỏa, đã được cách ly và xét nghiệm âm tính. Ngày 17-9 bệnh nhân được xét nghiệm có kết quả dương tính.
Bệnh nhân N.T.T.L, 61 tuổi ở phường Giáp Bát, Hoàng Mai. Bệnh nhân là F1 của bệnh nhân H.T.T, đã được cách ly tập trung và xét nghiệm âm tính. Ngày 17-9 bệnh nhân được xét nghiệm có kết quả dương tính.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27-4) là 3.886 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.596 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly có 2.290 ca. Toàn thành phố hiện có 2.612 bệnh nhân đã được điều trị khỏi, còn 1.108 ca bệnh đang điều trị tại cơ sở y tế.
 |
Tiêm vaccine cho người dân Hà Nội. Ảnh: Khánh Phương |
Hà Nội yêu cầu lấy mẫu 100% người có triệu chứng nghi mắc Covid-19
Sở Y tế Hà Nội cũng vừa có công văn gửi Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã; các bệnh viện trong và ngoài công lập; CDC Hà Nội về việc xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội.
Theo đó, Sở Y tế đề nghị phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác lấy mẫu xét nghiệm đúng đối tượng, đặc biệt rà soát lấy mẫu 100% các đối tượng có các triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 như ho, sốt, rát họng, mệt mỏi, mất hoặc giảm khứu giác, vị giác, thực hiện rà soát đúng khu vực, đúng tần suất theo chỉ đạo của Bộ Y tế và các chỉ đạo của Thành phố, Sở Y tế...
Các bệnh viện trong và ngoài công lập quyết liệt thực hiện công tác giám sát đối với người bệnh có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19, người đến từ các vùng có dịch hoặc có các yếu tố dịch tễ nguy cơ khác khi tới khám, điều trị, làm việc tại đơn vị...
Cùng đó, Sở cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thành lập, triển khai các trạm y tế lưu động tại các xã phường, thị trấn có nguy cơ rất cao; huy động sự tham gia của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các lực lượng địa phương như: Tổ Covid-19 cộng đồng, Tổ trưởng dân phố cụm dân cư, Trưởng thôn xóm, các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc, nơi cư trú.
1.000 y, bác sĩ, sinh viên Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ 15 quận, huyện của Hà Nội xét nghiệm và tiêm vaccine cho người dân
Với tinh thần “tất cả vì Thủ đô thân yêu”, “chung tay cùng cả nước chống dịch”, từ 11-9 đến nay, Bệnh viện Bạch Mai đã cử gần 1.000 bác sĩ, điều dưỡng và sinh viên tham gia hỗ trợ 15 quận, huyện của TP Hà Nội để thực hiện chiến dịch thần tốc: Bóc tách F0 khỏi cộng đồng và bao phủ vaccine cho người dân Thủ đô.
Chia sẻ về việc này, GS, TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, với kinh nghiệm thực tế qua nhiều chiến trường và được tập huấn kỹ ngay từ đầu dịch, liên tục cập nhật kiến thức để đảm bảo các kỹ năng tiêm vaccine, lấy mẫu xét nghiệm, kiểm soát nhiễm khuẩn để tránh lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Bên cạnh đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng bố trí 15 kíp cấp cứu lưu động tại 15 điểm tiêm để đảm bảo việc tiêm cho người dân an toàn nhất và xử lý tất cả các tình huống có thể xảy ra khi tiêm vaccine.
Theo ghi nhận tại các điểm hỗ trợ, các y, bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai rất nỗ lực phối hợp với cơ sở, không kể thời gian ngoài giờ, thậm chí cả đêm. Bên cạnh đó, các y, bác sĩ cũng chủ động khắc phục, chia sẻ khó khăn cùng địa phương khi chưa kịp bố trí khẩu trang N95, đồ bảo hộ cho đội đi lấy mẫu hay bổ sung thuốc huyết áp cho các trường hợp người tiêm vaccine cần sử dụng…
Với vai trò là một bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai đang tích cực tham gia vào việc hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Để chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Bệnh viện Bạch Mai đã cử hơn 500 cán bộ viên chức cùng nhiều máy móc, trang thiết bị y tế vào vận hành, quản lý Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 16 (đặt tại quận 7). Đồng thời, gần 1.000 sinh viên và thầy cô giáo Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai cũng được đưa vào TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vaccine cho người dân của thành phố.
THÁI SƠN