leftcenterrightdel
Bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh giới thiệu về ca bệnh. 

Rò luân nhĩ là vùng trước vành tai có một lỗ nhỏ xuất hiện từ khi sinh ra. Đây là bệnh lý bẩm sinh, có thể do di truyền nhiễm sắc thể trội không hoàn toàn. Trong trường hợp cụ thể này, là một bệnh nhân nam, 73 tuổi, quê ở Long An có lỗ rò chảy dịch phía trước và sau tai phải, gây cảm giác ngứa. Bệnh nhân có thói quen dùng tăm bông ngoáy vào đường rò luân nhỉ. Tuy nhiên, trong một lần ngoáy tai, một thanh que bị gãy, mắc trong lỗ rò mà bệnh nhân không nhớ. Dị vật này đã làm tắt lỗ rò, gây nhiễm trùng nặng. Sau khi chẩn đoán, các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh đã tiến hành phẫu thuật lấy đường rò luân nhĩ cho bệnh nhân và phát hiện dị vật dài 2cm trong đường rò. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh, bản chất của đường rò luân nhĩ là một ống được lát bởi biểu mô có khả năng chế tiết. 1/3 bệnh nhân mắc bệnh không có triệu chứng và không cần điều trị. Bệnh lý cũng không ảnh hưởng đến thính lực. Biến chứng thường gặp nhất là nhiễm trùng, tạo mủ nhiều ở đường rò. Khi rò luân nhĩ bị nhiễm trùng thì phải phẫu thuật. Tỷ lệ tái phát là 1-45%. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, khi người bệnh bị rò luân nhĩ thì chú ý giữ gìn vệ sinh, không tự ý điều trị hay dùng que, tăm ngoáy vào đường rò. Đối với bệnh lý này trên trẻ em cần theo dõi thường xuyên, có những can thiệp y tế cần thiết.

Tin, ảnh: HÙNG KHOA