Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch, tình hình bệnh thủy đậu đang khá phức tạp, số ca mắc bệnh đang tăng nhanh. Trong 1 tháng gần đây, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E tiếp nhận và điều trị hơn 20 ca mắc bệnh thủy đậu, rất may chưa có trường hợp bị biến chứng nguy hiểm và tử vong. Đến nay, bệnh thủy đậu đang vào mùa, dễ lây lan rộng trong môi trường tập thể. Trẻ em trong độ tuổi từ 2-8 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, ngoài ra người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được phòng ngừa đầy đủ. Người lớn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, mắc thủy đậu có khả năng biến chứng và nặng hơn trẻ em.
Bác sĩ Bệnh viện E điều trị cho bệnh nhân thủy đậu. Ảnh: THANH XUÂN
Theo PGS, TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, trong một vài năm trở lại đây, thủy đậu có xu hướng xảy ra nhiều hơn, rải rác, không thành dịch lớn, đặc biệt trong mùa đông-xuân. Nhưng với những phụ nữ mang thai 3 tháng đầu cần theo dõi sát sao. PGS,TS Đỗ Duy Cường lưu ý các thai phụ khi mắc bệnh thủy đậu không nên quá hoảng hốt mà đình chỉ thai nghén vì lo ngại con sinh ra bị dị tật như dị dạng, câm điếc... Trong 3 tháng đầu mang thai, nếu mắc bệnh thủy đậu, thai phụ cần được theo dõi chặt chẽ bởi các bác sĩ chuyên khoa tránh trường hợp biến chứng sảy thai. Nếu được theo dõi điều trị tốt, bà bầu vẫn sinh con khỏe mạnh như bình thường. Để tránh mắc phải bệnh thủy đậu trong quá trình mang thai, chị em nên đi tiêm vắc-xin phòng bệnh trước khi có thai.
Việc chăm sóc bệnh thủy đậu tại nhà rất quan trọng, nhằm tránh biến chứng và để lại sẹo. Có thể sử dụng các thuốc để bôi ngoài da cho se lại, dùng thuốc kháng vi rút tùy theo lứa tuổi, cân nặng. Áp dụng các biện pháp dân gian tắm bằng nước lá, giữ vệ sinh không để vết loét nhiễm trùng. Nhiều người khi biết mình mắc thủy đậu lại kiêng khem, che chắn quá mức. Thậm chí đến viện điều trị trong tình trạng toàn thân bịt kín mít, điều này dễ dẫn đến bội nhiễm khiến bệnh lâu khỏi hơn. PGS,TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, bệnh thủy đậu có thể ngừa bằng vắc-xin, vì vậy, người lớn và trẻ em chưa mắc bệnh nên tiêm phòng để giảm nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt đối với người có tiếp xúc với nguồn lây trong 3 ngày đầu vẫn có thể tiêm phòng vắc-xin phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh. Trên thực tế, nếu đã được chủng ngừa vắc-xin thủy đậu thì khả năng phòng bệnh lên tới 80-90%. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ và thường không bị biến chứng.
AN AN