Bệnh không lây nhiễm, thường là các bệnh mạn tính, bao gồm những bệnh không có khả năng lây truyền, có thời gian bị bệnh dài và nhìn chung tiến triển chậm. Bệnh tạo ra gánh nặng bệnh tật do tỷ lệ tàn phế và chết yểu cao. Nguy cơ mắc bệnh chủ yếu do lối sống có hại cho sức khỏe và các yếu tố môi trường không thuận lợi. Tuy nhiên, nhiều nguy cơ bệnh không lây nhiễm có thể dự phòng được. Có bốn loại bệnh không lây nhiễm chính được quan tâm hiện nay là các bệnh tim mạch (như nhồi máu cơ tim và đột quỵ...), các thể ung thư, bệnh hô hấp mạn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản) và đái tháo đường.
Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (gọi tắt là điều tra STEPS) do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều tra năm 2015. Tổng số người được điều tra là gần 3.900 người, đại diện quốc gia cho quần thể từ 18 đến 69 tuổi. Kết quả cho thấy, sức khoẻ của người dân Việt đang có những dấu hiệu đáng lo ngại. Cụ thể, 77,3% nam giới và 11% nữ giới sử dụng rượu bia trong 30 ngày qua và có xu hướng tăng theo thời gian, trong đó 44,2% nam giới và 1,22% nữ giới uống ở mức nguy hại (trong 30 ngày qua có uống ít nhất 1 lần từ 6 đơn vị cồn trở lên) và 45% điều khiển phương tiện cơ giới sau khi uống rượu; 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực… Bên cạnh đó, tình trạng ăn thiếu rau và trái cây vẫn cao. 57,2% dân số trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây so với khuyến cáo của WHO (400gr/ngày) và tỷ lệ này cao hơn ở nam giới so với nữ giới (63,1% so với 51 4%). Các thói quen này là nguy cơ dẫn đến bệnh thừa cân béo phì, tăng đường huyết, tăng huyết áp và cholessterol. Theo STEPS, 15,6% dân số Việt đang thừa cân béo phì, 18,9% tăng huyết áp (nam 23%, nữ 14,9%); 3,6% dân số có rối loạn đường huyết lúc đói và tỷ lệ tăng đường huyết là 4,1%; 30,2% có tăng cholesterol máu.
Theo TS Trương Đình Bắc, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây tử vong và bệnh tật hàng đầu tại tất cả các khu vực trên thế giới cũng như mọi tầng lớp trong xã hội. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 520.000 ca tử vong do nguyên nhân bệnh tật trong đó tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73%, như vậy tính trung bình cứ 10 người chết thì có 7 chết bởi bệnh không lây nhiễm. Ước tính năm 2012 có 73% số trường hợp tử vong và 66% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc là do các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính. Sự gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh này nguyên nhân liên quan đến các thói quen, tập quán của người dân và do mức độ gia tăng cao của các yếu tố nguy cơ như: Hút thuốc, uống rượu bia và dinh dưỡng không hợp lý…. Theo Tổ chức Y tế thế giới ước tính năm 2012, trong số 56 triệu người tử vong toàn cầu thì có 38 triệu người tử vong (68%) là do bệnh không lây nhiễm và đến năm 2030 số người tử vong do bệnh không lây nhiễm sẽ tăng lên thành 52 triệu người.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, những con số điều tra cho thấy, nếu người dân Việt không thay đổi lối sống thì sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh không lây nhiễm như: Ung thư, tiểu đường, tim mạch và các bệnh mãn tính đường hô hấp. “Sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm gây ra sự gia tăng nhanh chóng chi phí khám chữa bệnh và quá tải bệnh viện. Chi phí điều trị cho bệnh không lây nhiễm trung bình cao gấp 40-50 lần so với điều trị các bệnh lây nhiễm do đòi hỏi kỹ thuật cao, thuốc đặc trị đắt tiền, thời gian điều trị lâu, dễ bị biến chứng”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Trước tình hình gia tăng các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam, ngày 20-3-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025. Chiến lược được ban hành là định hướng quan trọng cho hoạt động trong giai đoạn tới theo hướng tiếp cận toàn diện, tập trung kiểm soát các yếu tố nguy cơ, dự phòng mắc bệnh đồng thời phát hiện sớm để quản lý hiệu quả các bệnh không lây nhiễm.
Thực hiện kế hoạch hành động phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam, năm 2015, Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS). Đây là cuộc điều tra được thiết kế công phu, khoa học, áp dụng các quy trình và công cụ chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, chọn mẫu đại diện quốc gia. Các số liệu điều tra còn giúp cho việc theo dõi, báo cáo tiến độ thực hiện các chỉ số giám sát và các mục tiêu tự nguyện toàn cầu về bệnh không lây nhiễm mà Việt Nam đã thông qua và cam kết thực hiện. Vì vậy, hội thảo sẽ tập trung thảo luận các kết quả chính của cuộc điều tra, đánh giá xu hướng các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam. Đây cũng là diễn đàn quan trọng để các nhà quản lý, các chuyên gia quốc tế và các nhà chuyên môn chia sẻ, cung cấp các thông tin cập nhật về gánh nặng bệnh tật, những khuyến cáo và bài học kinh nghiệm quốc tế và yêu cầu cấp thiết cần phải ưu tiên cho công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam.
Tin, ảnh: VƯƠNG THÚY