Quảng Nam phát hiện 26 F0 tại ổ dịch tại 4 xã miền núi
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam cho biết, qua xét nghiệm, trong ngày 13-10, tỉnh Quảng Nam đã ghi nhận 26 ca bệnh cộng đồng tại 4 xã của huyện Phước Sơn; trong đó, Phước Chánh: 21 ca, Phước Công: 3 ca, Phước Đức và Phước Hiệp mỗi xã một ca.
Các ca bệnh này được phát hiện qua sàng lọc do có yếu tố dịch tễ liên quan đến bệnh nhân trú tại xã Phước Chánh, công bố ngày 12-10.
Tính từ ngày 18-7 đến nay, Quảng Nam ghi nhận 743 ca bệnh; gồm 60 ca bệnh cộng đồng, 424 ca lây nhiễm thứ phát, 182 ca xâm nhập từ các tỉnh và 77 ca nhập cảnh.
Hiện, toàn tỉnh đang cách ly tại khách sạn, cơ sở lưu trú là 2.257 người, đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung 1.296 người và 34 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện trên địa bàn tỉnh.
Hà Nam thêm 18 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, ngày 13-10, trên địa bàn ghi nhận 18 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong số các ca bệnh mới được ghi nhận, 3 trường hợp trong khu cách ly, một trường hợp tại Khu điều trị Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh; 14 trường hợp tại khu phong tỏa, tại nhà.
Như vậy, tổng số ca bệnh cộng dồn từ ngày 19-9 tính từ ca bệnh phát hiện tại thôn Lê Lợi, xã Phù Vân, TP Phủ Lý đến chiều 13-10, toàn tỉnh ghi nhận 677 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Nghệ An thêm 2 F0 từ các tỉnh phía Nam về đã được cách ly
Chiều 13-10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An cho biết, tỉnh ghi nhận 2 ca dương tính với Covid-19 mới đều là công dân trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam, đã được cách ly an toàn từ trước.
 |
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho cán bộ, nhân viên y tế tuyến đầu tỉnh Yên Bái. Ảnh: TTXVN |
Ba khó khăn chính trong tiếp cận vắc xin Covid-19 ở Việt Nam
Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong thực hiện chiến lược vaccine, đặc biệt là tích cực thực hiện ngoại giao vaccine. Tuy nhiên, việc tiếp cận vắc xin Covid-19 ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới chưa thể tự sản xuất được vaccine gặp không ít khó khăn.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện có 3 khó khăn chính trong tiếp cận vắc xin Covid-19 ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Khó khăn chung lớn nhất là những vấn đề pháp lý liên quan đến mua bán, nhập khẩu vaccine. Tiếp đó là việc là việc khan hiếm nguồn cung ứng vaccine trên toàn cầu ngay từ đầu cho đến bây giờ vẫn đang diễn ra. Hiện nay, ngay cả cơ chế COVAX cũng chưa đạt được kế hoạch cung ứng vắc xin cho các nước, trong đó có Việt Nam. Thứ ba là các nước thay đổi chính sách trong tiêm chủng vắc xin như mở rộng đối tượng tiêm, tiêm tăng cường mũi 3.
Liên quan đến tốc độ tiêm chủng vắc xin Covid-19, Bộ Y tế đã liên tục có các chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Tốc độ tiêm vắc xin quyết định cho việc mở cửa nền kinh tế và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Do đó, Bộ Y tế đã liên tục khuyến cáo các địa phương phải tăng tốc tiêm chủng. “Nếu địa phương nào tiêm chủng chậm, Bộ Y tế sẽ điều chuyển vaccine đến địa phương có tốc độ tiêm đảm bảo yêu cầu”.
Bệnh viện Việt Đức bàn giao trung tâm hồi sức cho Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh
Từ hôm nay (14-10), Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp nhận bàn giao Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đặt tại Bệnh viện dã chiến 13, TP Hồ Chí Minh.
TS, BS Ngô Quang Thùy, Phó giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - Phó Giám đốc điều hành trung tâm cho biết, trung tâm chính thức nhận các trường hợp bệnh nhân Covid-19 đầu tiên vào ngày 11-8 trong bối cảnh số ca mắc tại TP Hồ Chí Minh đang tăng cao. au 2 tháng, trung tâm đã tiếp nhận điều trị cho 971 bệnh nhân mà phần đông trong số đó là các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch. Tính đến nay đã có gần 600 bệnh nhân ra viện, hiện trung tâm đang điều trị cho 36 trường hợp bệnh nhân trong đó có 12 bệnh nhân thở máy và 2 bệnh nhân phải hỗ trợ HFNC.
PGS, TS Lê Minh Khôi, Phó giám đốc Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận gần 40 bệnh nhân nặng, nguy kịch tại cơ sở này. Trước ngày 15-10, các bác sĩ sẽ chuyển hết bệnh nhân từ trung tâm đang đặt tại phía tây thành phố - tại Bệnh viện Quốc tế City về trung tâm hồi sức đặt tại Bệnh viện dã chiến 16.
Xác định nhiệm vụ trước mắt còn nhiều khó khăn do dịch chưa được khống chế hoàn toàn, bác sĩ Khôi cho biết, các nhân viên y tế tại bệnh viện vẫn tiếp tục sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở tuyến đầu để tiếp tục thực hiện sứ mệnh của ngành y tế thành phố trong việc giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong do Covid-19.
TP Hồ Chí Minh số ca tử vong do Covid-19 giảm mạnh
Ngày 13-10, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, số ca mắc mới và số ca thu dung điều trị mỗi ngày đều giảm ở tất cả các tầng; số ca bệnh nặng và số ca tử vong tiếp tục giảm qua nhiều ngày liên tiếp.
Cụ thể, nếu số ca mắc mới ngày 1-10 ở mức gần 3.700 trường hợp thì đến ngày 12-10 chỉ còn 1.018 trường hợp. Ca bệnh nhập viện điều trị mỗi ngày đều giảm mạnh. Nếu ngày 1-10, thành phố có 2.866 ca bệnh phải nhập viện điều trị thì đến ngày 1210 chỉ còn 866 bệnh nhân nhập viện.
Trong khi ca bệnh nhập viện mỗi ngày giảm mạnh thì số ca bệnh được xuất viện ngày càng tăng. Đến nay, thành phố đã có khoảng 240.000 người được điều trị khỏi bệnh, xuất viện. Toàn thành phố chỉ còn hơn 3.000 bệnh nhân nặng cần phải thở máy hoặc thở oxy. Số ca tử vong đã giảm sâu.
Để khống chế dịch Covid-19 hiệu quả hơn, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khuyến cáo mỗi người dân thành phố cần tiếp tục tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K (đeo khẩu trang, thực hiện khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tập trung đông người, khai báo y tế) và nhanh chóng đi tiêm vắc xin đủ 2 mũi theo quy định.
THÁI AN