Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh (2.025), Bình Dương (764), Khánh Hòa (298), Long An (251), Đồng Nai (163), Bà Rịa - Vũng Tàu (138), Tây Ninh (102), Cần Thơ (100), Đồng Tháp (70), Sóc Trăng (53), Bến Tre (50), Bình Thuận (32), Phú Yên (27), Bình Phước (20), Bình Định (16), Đắk Lắk (15), Thừa Thiên Huế (14), Hà Nội (14), Quảng Nam (11), Trà Vinh (9), Gia Lai (6), Kon Tum (6), Quảng Ngãi (5), Hải Dương (5), Lâm Đồng (4), Hà Giang (4), Quảng Bình (4), Hậu Giang (4), Ninh Thuận (3), Hà Tĩnh (3), Nghệ An (3), Đắk Nông (2), Thanh Hóa (2), Thái Nguyên (1), Bạc Liêu (1) trong đó có 1.123 ca trong cộng đồng.

 

Như vậy, trong ngày 1-8 ghi nhận 8.620 ca mắc mới, trong đó 23 ca nhập cảnh và 8.597 ca ghi nhận trong nước. Tính đến chiều 1-8, Việt Nam có 154.306 ca mắc trong đó có 2.262 ca nhập cảnh và 152.044 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ ngày 27-4 đến nay là 150.474, trong đó có 40.383 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 4/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn. Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định.

Về tình hình điều trị, hôm nay có 4.423 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; tổng số ca được điều trị khỏi là 43.157 ca; số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 432 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 18 ca.

Tối 1-8, Hà Nội ghi nhận thêm 16 ca dương tính với virus SARS-CoV-2

Tối 1-8, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 1-8, Hà Nội ghi nhận 16 ca mắc mới, trong đó 7 ca phát hiện tại khu cách ly và 9 ca phát hiện tại cộng đồng.

Cụ thể, ho sốt thứ phát (13 ca); liên quan nhà thuốc 95 Láng Hạ, Đống Đa (1 ca); liên quan đến Bắc Ninh (1 ca), liên quan đến Bệnh viện Phổi Hà Nội (1 ca).

Như vậy, tính từ 18 giờ ngày 31-7 đến 18 giờ 1-8, Hà Nội đã ghi nhận 73 trường hợp mắc mới. Từ ngày 27-4, đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.247 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 751 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 496 là ca.

Phân bổ, tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho TP Hồ Chí Minh và ba tỉnh lân cận

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Y tế, UBND TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An về việc phân bổ, tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19

Tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: nhandan.com.vn 

Theo đó, để tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất đối với khu vực TP Hồ Chí Minh (bao gồm TP Hồ Chí Minh và một số địa bàn giáp ranh, thuộc các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An), Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chỉ đạo, UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An chủ động phối hợp với Bộ Y tế để điều chỉnh quy trình tiêm vaccine phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn dịch bệnh trên địa bàn; xây dựng kế hoạch tiêm và thông báo cho Bộ Y tế nhu cầu vaccine theo kế hoạch tiêm. 

Các địa phương này xây dựng phương án tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại… của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân sau khi người dân được tiêm vaccine.

Bộ Y tế phân bổ vaccine đảm bảo tiến độ tiêm theo đề nghị của UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An; trường hợp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phân tầng các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 để đảm bảo nguồn lực điều trị

Bộ Y tế vừa ban hành tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm virus SARS-CoV-2, đánh giá nguy cơ, xác định nhu cầu điều trị phù hợp, nhằm tối ưu hóa nguồn lực cho công tác điều trị.

Lãnh đạo Bộ Y tế và tỉnh Tiền Giang khảo sát địa điểm thiết lập trung tâm hồi sức Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế

Theo Ths, BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế, tại Việt Nam, việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 được thực hiện theo hệ thống phân tầng, với mục tiêu chia nhóm nguy cơ của người bệnh và những yêu cầu điều trị, can thiệp điều trị cho người bệnh để phân bổ nguồn lực phù hợp.

Bộ Y tế đang chia hệ thống điều trị thành 3 tầng: Tầng 1 là các cơ sở thu dung điều trị ban đầu; tầng 2 là nơi thu dung điều trị cho các trường hợp bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ như mắc các bệnh lý nền, người cao tuổi, phụ nữ mang thai…; tầng 3 là tầng điều trị cho các diễn biến nặng cần các chăm sóc, can thiệp, điều trị chuyên sâu hơn.

Việc phân chia tầng sẽ bố trí nguồn lực phù hợp để nâng cao hiệu quả điều trị. Đơn cử như tại tầng 1 sẽ được bố trí lực lượng nhân viên, trang thiết bị phù hợp, không nhất thiết phải có các hệ thống hỗ trợ hô hấp chuyên sâu, hồi sức nặng hay tại tầng 3 sẽ là các trung tâm hồi sức tích cực được trang bị đầy đủ các hệ thống ECMO, lọc máu, hệ thống thở oxy… cũng như đội ngũ y, bác sĩ chuyên sâu, đặc biệt là trong lĩnh vực hồi sức tích cực.

THÁI AN