Cụ thể tại Bình Dương (4.505), TP Hồ Chí Minh (4.084), Tiền Giang (589), Đồng Nai (551), Long An (393), Đà Nẵng (197), Đồng Tháp (109), Cần Thơ (100), Tây Ninh (83), Khánh Hòa (76), An Giang (71), Nghệ An (60), Bà Rịa - Vũng Tàu (57), Phú Yên (45), Kiên Giang (43), Bình Thuận (43), Bến Tre (42), Đắk Lắk (32), Quảng Nam (32), Trà Vinh (24), Hậu Giang (12), Gia Lai (11), Lâm Đồng (10), Bình Phước (8), Lạng Sơn (7), Cà Mau (6), Thừa Thiên Huế (6), Quảng Bình (4), Ninh Thuận (4), Bắc Ninh (3), Quảng Ngãi (3), Thanh Hóa (3), Hà Tĩnh (3), Ninh Bình (2), Bắc Giang (2), Nam Định (1), Hải Dương (1), Phú Thọ (1) trong đó có 7.428 ca trong cộng đồng.

 

Ngày 21-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương đăng ký bổ sung 2.118 ca được lấy mẫu từ các ngày trước trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19.

Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 2.767 ca. Tại Bình Dương tăng 2.400 ca, TP Hồ Chí Minh tăng 709 ca, Tiền Giang tăng 222 ca, Đồng Nai giảm 135 ca, Long An tăng 26 ca. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 336.707 ca nhiễm, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 170/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.425 ca nhiễm). Từ ngày 27-4 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 332.626 ca, trong đó có 137.313 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 7/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Hải Phòng, Yên Bái. Có 3 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Thái Bình. 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP Hồ Chí Minh (171.801), Bình Dương (66.447), Long An (17.440), Đồng Nai (16.839), Tiền Giang (6.575).

Về tình hình điều trị, hôm nay có 7.272 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; tổng số ca được điều trị khỏi là 140.087 ca; số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 687 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 24 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến ngày 20-8 là 7.540 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.

Về công tác tiêm chủng, Bộ Y tế cho biết, trong ngày 20-8 có 190.681 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 16.494.665 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 14.787.599 liều, tiêm mũi 2 là 1.707.066 liều. (VƯƠNG THÚY)

Ngày 21-8: Hà Nội ghi nhận 61 ca mắc Covid-19

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngày 21-8, Hà Nội ghi nhận 61 ca mắc Covid-19, trong đó 28 ca ghi nhận tại cộng đồng, 36 ca ghi nhận tại khu cách ly.

Như vậy từ ngày 27-4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.554 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.305 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 1.249 ca.

Trao 1.000 bình ô xy hỗ trợ điều trị và cấp cứu bệnh nhân Covid-19

Ngày 21-8, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã trao 1.000 bình ô xy loại 40 lít/bình cho Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ kịp thời cho các bệnh viện trong công tác điều trị và cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19.

Đây là một trong những hoạt động trong chuỗi chương trình “ATM - Ô xy” do Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chủ trì triển khai từ tháng 8-2021. Qua gần 1 tháng triển khai, chương trình đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng doanh nhân các tỉnh, thành phố. (SƠN THÁI)

37 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông vào TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch Covid-19

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, ngày 21-8, Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) đã tăng cường 37 cán bộ, chiến sĩ từ Hà Nội vào làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng, chống dịch bệnh tại các cửa ngõ ra vào TP Hồ Chí Minh.

Cán bộ, chiến sĩ Cục CSGT xuất quân, tăng cường chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: vtv.vn 

37 cán bộ, chiến sĩ Cục CSGT tăng cường phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh lần này đều đảm bảo về sức khỏe, được tiêm phòng đủ 2 mũi vaccine, xét nghiệm âm tính, một số đồng chí đã xung phong lên đường nhận nhiệm vụ. 

Đây là hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, chỉ đạo của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Công an về huy động tổng lực phòng, chống dịch cán bộ chiến sĩ. Tiếp theo đợt tăng cường đầu tiên này, Cục CSGT sẽ có các đợt tăng cường tiếp theo căn cứ vào chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an. (THÁI AN)

TP Hồ Chí Minh đã có hơn 85.000 bệnh nhân Covid-19 được xuất viện

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 20-8, thành phố đã có 85.259 bệnh nhân Covid-19 được xuất viện.

Tính đến 6 giờ ngày 21-8, có 170.183 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, trong đó, 169.776 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 407 trường hợp nhập cảnh. Hiện đang điều trị 34.250 bệnh nhân, trong đó, có 2.194 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.281 bệnh nhân nặng đang thở máy và 18 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Từ ngày 27-4 đến 20-8, ngành Y tế đã lấy 1.306.249 mẫu, (trong đó có 799.821 mẫu đơn, 506.428 mẫu gộp), với 4.671.886 người được lấy mẫu (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất...). Tổng số mẫu chưa có kết quả: 5.444 mẫu, trong đó có 4.782 mẫu đơn và 662 mẫu gộp.

Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 40.588 người, trong đó có 19.781 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 20.807 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 14.206 người. Số trường hợp F1 đang cách ly tập trung là 3.052 trường hợp. Số trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà là 16.657 người. (MINH CHÂU)

Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà

Ngày 21-8, Bộ Y tế đã ban hành quyết định hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà.

Theo đó, trạm y tế xã, phường, thị trấn; trạm y tế lưu động; trung tâm y tế quận, huyện, phòng khám; trung tâm vận chuyển cấp cứu và các cơ sở được phân công tham gia công tác quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà.

Ban hành kèm quyết định này là hướng dẫn khám bệnh, kê đơn điều trị tại nhà với người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng lâm sàng hoặc có nhưng ở mức độ nhẹ như: Sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi... Đặc biệt là không có dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy...

Bên cạnh đó, đối với người nhiễm Covid-19 được quản lý tại nhà phải đáp ứng thêm 1 trong 2 tiêu chí, đó là đã tiêm đủ 2 mũi hoặc 1 mũi vaccine phòng Covid-19 sau 14 ngày; hoặc có đủ 3 yếu tố: Độ tuổi (trẻ em trên 1 tuổi, người lớn <50 tuổi); không có bệnh nền và không mang thai.

Theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế, với người nhiễm Covid-19 là người lớn nếu sốt > 38,5 độ C hoặc đau đầu, đau người nhiều thì uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5g, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 viên, uống oresol nếu uống kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước. Với trẻ em, nếu sốt >38,5 độ C, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 lần.

Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt hai lần mà không đỡ thì phải thông báo ngay đến cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà để phối hợp xử lý. Ngoài ra, nếu người nhiễm Covid-19 ho thì dùng thuốc giảm ho. (ĐỖ LINH)

Lấy mẫu xét nghiệm hơn 14.600 shipper của 3 công ty tại Hà Nội

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong đợt 2 xét nghiệm diện rộng cho khu vực nguy cơ cao và 13 nhóm người nguy cơ cao, thành phố sẽ lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 14.600 shipper của 3 công ty dịch vụ chuyển phát nhanh: Công ty cổ phần Vinacapital Việt Nam; Công ty Thuận Phong; Công ty giao hàng nhanh (GHN).

Cán bộ Bệnh viện đa khoa Medlatec lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân Hà Nội. Ảnh: Medlatec 

Mục tiêu trong đợt 2 này, thành phố tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 tại các khu vực "vùng đỏ", khu vực nguy cơ, khu vực trọng điểm và những ổ dịch mới phát sinh. Ngoài ra, lấy mẫu xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ cao căn cứ theo yếu tố dịch tễ, các đối tượng di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều...

Theo kế hoạch, 13 nhóm người nguy cơ cao được lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trong đợt 2 là: Shipper; người bán hàng tại các chợ truyền thống, chợ cóc; nhân viên bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại; người bán hàng tạp hóa tại nhà; nhân viên bán xăng; lái xe khu công nghiệp, đường dài; bảo vệ tại chung cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể; công nhân xây dựng đang mắc kẹt tại Hà Nội; nhân viên bán thuốc tại các quầy thuốc; người làm tại các kho hàng bán lẻ; người trực chốt kiểm dịch; lực lượng hỗ trợ chống dịch; nhân viên công ty môi trường đô thị trực tiếp thu gom rác (lái xe, lao công).

Dự kiến, trong đợt 2 này, thành phố tiến hành lấy 1 triệu mẫu xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR. (THÁI SƠN)