Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh (4.516), Bình Dương (2.358), Đồng Nai (546), Long An (514), Đồng Tháp (271), Tiền Giang (209), Cần Thơ (170), Khánh Hòa (166), Tây Ninh (159), Đà Nẵng (83), Sóc Trăng (82), Bến Tre (60), Hà Nội (39), Bình Thuận (39), Quảng Ngãi (34), An Giang (34), Nghệ An (27), Phú Yên (27), Quảng Nam (26), Ninh Thuận (22), Bình Định (22), Bắc Ninh (21), Kiên Giang (19), Lào Cai (18), Bà Rịa - Vũng Tàu (16), Hà Tĩnh (14), Đắk Nông (13), Lâm Đồng (11), Hậu Giang (10), Thừa Thiên Huế (8 ), Quảng Trị (8 ), Gia Lai (8 ), Cà Mau (6), Hải Dương (5), Bình Phước (4), Quảng Bình (2), Thanh Hóa (2), Thái Bình (2), Ninh Bình (1), Hưng Yên (1), Bắc Giang (1) trong đó có 2.470 ca trong cộng đồng.
 |
|
Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 136 ca. Tại TP Hồ Chí Minh tăng 285 ca, Bình Dương tăng 329 ca, Đồng Nai giảm 477 ca. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 275.044 ca nhiễm, đứng thứ 78/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.798 ca nhiễm). Tính từ ngày 27-4 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 271.037 ca, trong đó có 99.730 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 5/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình. Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng. 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP Hồ Chí Minh (149.286), Bình Dương (43.979), Long An (14.399), Đồng Nai (13.616), Bắc Giang (5.795).
Về tình hình điều trị, hôm nay có 5.519 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; tổng số ca được điều trị khỏi là 102.504 ca; số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 589 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 18 ca.
Về công tác xét nghiệm, trong 24 giờ qua đã thực hiện 157.983 xét nghiệm cho 617.513 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ ngày 27-4 đến nay đã thực hiện 8.151.426 mẫu cho 23.187.591 lượt người.
Về công tác tiêm chủng, Bộ Y tế cho biết, trong ngày 14-8 có 612.974 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 14.434.017 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 13.078.340 liều, tiêm mũi 2 là 1.355.677 liều. (VƯƠNG THÚY)
337 ca tử vong do Covid-19
Ngày 15-8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 337 ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh (282), Bình Dương (20), Long An (9), Tiền Giang (6), Đồng Nai (5), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Đồng Tháp (2), Sóc Trăng (2), Trà Vinh (2), Cần Thơ (1), Hải Phòng (1), Bến Tre (1), Bình Phước (1), Khánh Hòa (1), Quảng Nam (1).
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tính đến ngày 15-8 là 5.774 ca, xếp thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng tính tỷ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 59 người tử vong do Covid-19). (THÁI SƠN)
TP Hồ Chí Minh: Gần 6.000 bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 6 được ra viện
Chiều 15-8, Bộ Y tế cho biết, sau hơn một tháng tiếp nhận các ca nhiễm Covid-19, tính đến chiều nay (15-8) tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi và xuất viện tại Bệnh viện Dã chiến số 6 lên tới gần 6.000 người.
 |
Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra tại Bệnh viện Dã chiến số 6. Ảnh: Bộ Y tế |
Bệnh viện Dã chiến số 6 (khu tái định cư Bình Khánh, phường An Khánh, TP Thủ Đức) bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 11-7 với quy mô 4.000 giường. BS Trần Văn Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 6 cho biết, sau hơn một tháng tiếp nhận các ca nhiễm Covid-19, tính đến chiều 15-8, tổng số bệnh nhân nhập viện hơn 8.200 trường hợp, trong đó gần 6.000 người được điều trị khỏi và ra viện.
Hiện, Bệnh viện Dã chiến số 6 hiện đang điều trị khoảng 2.300 bệnh nhân Covid-19. Lực lượng gồm 131 bác sĩ và hơn 200 điều dưỡng chủ yếu đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện đa khoa Thái Bình… (KHÁNH LINH)
TP Hồ Chí Minh có 2.237 trẻ em mắc Covid-19 đang được điều trị
Ngày 15-8, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, trong số trên 32.200 bệnh nhân mắc Covid-19 đang được điều trị có đến 2.237 trẻ em dưới 16 tuổi.
Hiện TP Hồ Chí Minh đang điều trị cho 32.293 bệnh nhân, trong đó có 2.237 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.851 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO. TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục chuẩn bị kế hoạch quản lý, theo dõi, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Hiện số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 35.900 người, trong đó có 11.444 trường hợp F0 mới và 24.456 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 13.056 người.
Ngoài ra, Thành phố cũng đang cách ly tập trung 3.195 trường hợp F1. Số trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà là 12.514 người. (NAM PHONG)
60 y, bác sĩ Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương vào TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19
Ngày 15-8, đoàn công tác (đợt 1) của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã lên đường vào TP Hồ Chí Minh tham gia hỗ trợ chống dịch Covid-19.
 |
Tất cả các cán bộ, nhân viên tham gia đoàn công tác đều thể hiện quyết tâm cao trước khi lên đường. |
Theo kế hoạch, đoàn công tác của Viện sẽ hỗ trợ cho Bệnh viện hồi sức điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách (có quy mô 1.000 giường bệnh) và sẽ được đồng chí Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh trực tiếp phân công.
Mỗi cán bộ tham gia đoàn công tác đặc biệt lần này đều mang trong mình một quyết tâm cao nhất là hỗ trợ tối đa công tác chuyên môn cho các đồng nghiệp để đẩy lùi dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh.
Trước khi lên đường tăng cường cho đồng nghiệp chống dịch, các cán bộ, nhân viên y tế của Viện đã được tập huấn, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trong phòng chống Covid-19 và các biện pháp phòng, chống lây nhiễm cá nhân. Đặc biệt, để thuận tiện trong việc thực hiện chuyên môn, các thầy thuốc tại Viện đã đồng loạt "xuống tóc" để sẵn sàng Nam tiến. (Tin, ảnh: VƯƠNG TUẤN)
Hà Nội: Ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho 32.157 lao động của 68 doanh nghiệp
Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn về việc phân bổ vaccine phòng Covid-19 gửi UBND các quận, huyện, thị xã.
Sở Y tế Hà Nội đề nghị, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ trên số lượng vaccine phòng Covid-19 được cấp để chỉ đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế và các đơn vị liên quan phân bổ vắc xin hợp lý, ưu tiên tiêm chủng cho các đối tượng thuộc hệ thống phân phối, bán lẻ hàng hóa thiết yếu, vận tải và logistics theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ và theo đúng Phương án số 170/PA-UBND ngày 21-7-2021 của UBND thành phố.
Sở Y tế cũng đề nghị Sở Công Thương chỉ đạo các đơn vị thuộc hệ thống phân phối, bán lẻ hàng hóa thiết yếu, vận tải và logistics lập danh sách người lao động gửi về UBND các quận, huyện, thị xã làm căn cứ tiêm vaccine theo thứ tự ưu tiên. Các đơn vị phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của danh sách người lao động, bảo đảm đầy đủ, đúng đối tượng.
Hiện nay, Sở Công Thương nhận được danh sách đề nghị ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 32.157 người lao động của 68 doanh nghiệp tại 18 quận, huyện, thị xã: Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hà Đông, Gia Lâm, Sơn Tây, Thanh Trì, Đông Anh, Thường Tín, Ứng Hòa. (THÁI AN)
 |
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Medlatec |
Trong ngày 15-8, Hà Nội ghi nhận 35 ca nhiễm Covid-19
Chiều 15-8, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới. Như vậy, trong ngày 15-8, Hà Nội ghi nhận tổng số ca nhiễm Covid-19 là 35, trong đó có 9 ca tại cộng đồng. Tính từ ngày 27-4, Hà Nội ghi nhận 2.202 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.202 ca, số ca mắc được cách ly là 1.000 ca. (MINH CHÂU)