PGS, TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam (bên trái) chủ trì buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, PGS, TS Phạm Mạnh Hùng cho biết, bệnh tim mạch bao gồm các bệnh: Mạch vành (nhồi máu cơ tim), tai biến mạch máu não (đột quỵ), tăng huyết áp (cao huyết áp)… là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Năm 2016, ước tính có 17,9 triệu người tử vong vì bệnh tim mạch, chủ yếu do nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Tại Việt Nam, hiện nay có 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp, nhiều trường hợp chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Ngoài các nguyên nhân bẩm sinh, bệnh tim mạch là kết quả của các thói quen sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh, lạm dụng rượu, bia, hoặc gây ra bởi các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường. Đặc biệt trong những năm gần đây, bệnh lý tim mạch đang được trẻ hóa với rất nhiều đối tượng đang ở độ tuổi lao động.

Với chủ đề “Tim mạch học trong kỷ nguyên mới-Biến thách thức thành cơ hội”, lần đầu tiên Đại hội Tim mạch toàn quốc chuyển sang hình thức họp trực tuyến do đại dịch Covid-19. Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 17 dự kiến sẽ kết nối hơn 10.000 đại biểu trong nước và quốc tế. Đặc biệt trong 2 ngày diễn ra đại hội sẽ có 10 kênh hội thảo trực tuyến, 91 phiên báo cáo khoa học với hơn 100 báo cáo viên là các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành tim mạch trên toàn thế giới và Việt Nam.

PGS, TS Phạm Mạnh Hùng mong muốn, Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 17 sẽ là cơ hội để các y, bác sĩ, các nhà khoa học trong nước và thế giới cùng nhau trao đổi, thảo luận và cập nhật những kiến thức chuyên môn mới nhất về chẩn đoán, điều trị và phòng, chống các bệnh lý tim mạch; qua đó nâng cao trình độ chuyên môn cho các y, bác sĩ. Bên cạnh đó, Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 17 cũng mong muốn truyền thông trực tiếp tại cộng đồng để người dân có kiến thức và hiểu biết để phòng, tránh bệnh tim mạch cũng như bệnh tăng huyết áp.

Tin, ảnh: VƯƠNG THÚY