Tổ Covid cộng đồng chính là thứ “vũ khí” sắc bén tạo “lá chắn” vững chắc trong công tác phòng, chống dịch (PCD) hiệu quả.

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, Bắc Giang trở thành điểm nóng bởi số người nhiễm Covid-19 nhiều chưa từng có trước đây. Thế nhưng, rất nhanh Bắc Giang trở lại trạng thái bình thường mới từ ngày 10-7. Thành công của Bắc Giang được coi là “thần kỳ” nhờ nhiều yếu tố, trong đó có sự đóng góp của mạng lưới Tổ Covid cộng đồng. Mô hình Tổ Covid cộng đồng được Bộ Y tế tư vấn cho các địa phương xây dựng, triển khai đồng bộ và thực sự phát huy hiệu quả trong công tác PCD tại các địa phương phía Nam. PGS, TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), đánh giá: Tổ Covid cộng đồng là vũ khí chống dịch độc đáo của Việt Nam. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu, phát huy sâu rộng sức mạnh toàn dân; là cánh tay nối dài của các lực lượng chức năng trong công tác PCD. Các Tổ Covid cộng đồng hoạt động với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nắm rõ sự biến động của các nhân khẩu trên địa bàn, nắm danh sách cụ thể những trường hợp có đi, đến vùng dịch hoặc có tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, kịp thời phát hiện các trường hợp có biểu hiện bất thường về sức khỏe để báo với cơ quan y tế có biện pháp xử lý kịp thời; tham gia trực chốt tại các điểm phong tỏa liên tục 24/24 giờ, lập chốt trực, đo thân nhiệt, sát khuẩn tại các khu dân cư, chung cư. Thông qua hoạt động giám sát, những trường hợp vi phạm quy định về PCD đều được các thành viên tổ trực tiếp nhắc nhở hoặc đề nghị chính quyền địa phương xử phạt theo quy định. Mỗi tổ phụ trách trực tiếp theo dõi từ 30 đến 50 gia đình. Có thể khẳng định, đây là mô hình trực tiếp gần dân, sát dân; là cầu nối giữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước với nhân dân; thể hiện sâu sắc chủ trương "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" và là minh chứng cho thấy chiến thắng dịch là chiến thắng của nhân dân.

Tổ Covid cộng đồng xã Bảo Sơn (Lục Nam, Bắc Giang) đến từng nhà dân tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch. Ảnh: TUẤN DŨNG

Đợt dịch thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4 đến nay với tốc độ lây lan nhanh hơn chủng virus trước đây. Tuy nhiên, với kinh nghiệm đúc rút được từ đợt dịch năm 2020, đặc biệt kinh nghiệm về phát huy vai trò của Tổ Covid cộng đồng nên TP Đà Nẵng đã cơ bản kiểm soát được tình hình, kịp thời khoanh vùng, cách ly những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm, giám sát chặt chẽ cả bên trong lẫn bên ngoài, hạn chế sự bùng phát của dịch bệnh ra diện rộng. Với hơn 2.200 Tổ Covid cộng đồng tại các tổ dân phố, khu dân cư đã tạo thành “lá chắn” vững chắc, hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương cùng các lực lượng tuyến đầu ở Đà Nẵng trong kiểm soát, khống chế kịp thời dịch bệnh.

Tại TP Hồ Chí Minh, hiện có 19.000 Tổ Covid cộng đồng với 52.000 thành viên, hoạt động trên tinh thần tự nguyện, dưới sự tổ chức, quản lý của chính quyền địa phương và hướng dẫn về chuyên môn của ngành y tế. Ngay khi đợt dịch thứ tư bùng phát, quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) đã kích hoạt hơn 1.200 Tổ Covid cộng đồng với gần 5.000 thành viên hoạt động trên địa bàn 186 khu phố của 16 phường. Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho rằng: Vai trò của các Tổ Covid cộng đồng rất quan trọng trong công tác PCD. Các Tổ Covid cộng đồng luôn là lực lượng thường trực, có trách nhiệm giám sát về dịch tễ đối với từng cụm dân cư tại cơ sở. 

Để có được những thành công nêu trên phụ thuộc rất lớn vào tâm huyết, trách nhiệm của từng thành viên Tổ Covid cộng đồng. Chị Trịnh Ngọc Trang, tình nguyện viên tham gia hỗ trợ chốt trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) cho biết, chị đã xung phong vào Tổ Covid cộng đồng ngay từ ngày đầu TP Hồ Chí Minh phát động. Chị Trang và các thành viên trong tổ hỗ trợ lực lượng tuyến đầu trong việc lập danh sách xét nghiệm, truy vết F0, F1, phụ giúp chính quyền thiết lập khu cách ly, phong tỏa... “Khó khăn nhất của các tình nguyện viên là vận động, trấn an tâm lý người nhà có ca F0, F1. Nói thì đơn giản, nhưng để mang lại hiệu quả trên thực tế thì không dễ chút nào”, chị Trang tâm sự.

Tại tỉnh Bình Dương, UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập Tiểu ban chỉ đạo hoạt động của Tổ Covid cộng đồng và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác giám sát. Mô hình và hoạt động của Tổ Covid cộng đồng theo đúng yêu cầu và hướng dẫn của Sở Y tế, đồng thời kết hợp với hướng dẫn hoạt động của các tổ trên địa bàn bảo đảm tính thống nhất. Thực tế chứng minh trong đợt dịch vừa qua, Tổ Covid cộng đồng hoạt động vô cùng hiệu quả, góp phần đặc biệt quan trọng trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh ở Bình Dương. Từng thành viên Tổ Covid cộng đồng đã cùng với chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, từng bước thay đổi nhận thức của người dân bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung vào việc tuyên truyền trực tiếp thông qua hình thức đến từng gia đình phát tờ rơi, hướng dẫn các biện pháp PCD...

Hiệu quả hoạt động của Tổ Covid cộng đồng cho thấy: Để công tác PCD đạt kết quả, mọi diễn biến phải được quản lý chặt chẽ ngay từ cơ sở. Bởi, mỗi thành viên của Tổ Covid cộng đồng chính là mỗi người dân sinh sống trên từng địa bàn tổ dân phố. Họ là những người nắm tình hình chắc nhất; đồng thời cũng là người đưa ra phương án xử lý sớm nhất. Bởi vậy, mô hình hoạt động của Tổ Covid cộng đồng cần được nghiên cứu, tổng kết để triển khai nhân rộng, bảo đảm công tác PCD hiệu quả, sớm đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.

DIỆP CHÂU

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ