Theo ông Paul Schaper, Giám đốc điều hành chính sách toàn cầu của tập đoàn dược phẩm Merck cho biết hôm 11-11: “Chúng tôi phát triển chuỗi cung ứng từ rất sớm, có thể cung cấp lượng lớn sản phẩm cho các nước thu nhập thấp và trung bình trong nửa đầu năm 2022. Điều này bảo đảm cơ hội tiếp cận thuốc công bằng hơn nhiều so với những gì diễn ra với tình trạng phân phối vắc xin. Chúng tôi đủ sức phân phối thuốc cùng lúc cho các nước thu nhập thấp, trung bình và cao”, AFP đưa tin.

Một quy trình trong dây chuyền sản xuất thuốc Molnupiravir. Ảnh: Merck & Co 

Theo ông Schaper, tập đoàn Merck đã xây dựng chiến lược tiếp cận thuốc từ tháng 7-2020, hơn một năm trước khi công bố hiệu quả của thuốc Molnupiravir chuyên điều trị Covid-19. Doanh nghiệp này dự kiến xuất xưởng 10 triệu liệu trình thuốc trong cuối năm nay và tăng gấp đôi sản lượng vào năm sau.

Merck đã cấp phép sản xuất thuốc cho 8 đối tác ở Ấn Độ, đồng thời ký thỏa thuận cấp phép tự nguyện với Sáng kiến chia sẻ bằng sáng chế dược (MPP) được Liên hợp quốc hậu thuẫn để thúc đẩy tiếp cận thuốc ở 105 quốc gia.

Quỹ Bill & Melinda Gates dự định chi 120 triệu USD để giúp toàn cầu có thể tiếp cận loại thuốc điều trị Covid-19 đầy hứa hẹn này.

Molnupiravir được đánh giá là một nhân tố thay đổi tiềm năng giúp nhân loại sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, nhất là với những đối tượng thuộc nhóm không thể tiêm hoặc cần hoãn tiêm vắc xin. Không giống các phương pháp điều trị khác, sản phẩm của Merck mở ra cách điều trị Covid-19 tại nhà và bệnh nhân không cần phải nhập viện, qua đó giảm áp lực cho hệ thống y tế, bệnh viện để có thể tiếp nhận những trường hợp nặng hơn.

Đầu tháng 10-2021, kết quả các thử nghiệm giai đoạn 3 trên hơn 700 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố cho thấy Molnupiravir có thể giảm khoảng 50% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong so với những người được cho sử dụng giả dược. Ngoài ra, theo kết quả các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, Molnupiravir có hiệu quả với tất cả biến thể của virus SARS-CoV-2 được biết tới đến nay, bao gồm cả biến thể Delta có mức độ lây nhiễm cao.

Giới chuyên gia lo ngại nhiều người sẽ coi đây là phương án thay thế cho vắc xin, đồng thời cảnh báo cuộc chạy đua mua Molnupiravir sẽ dẫn đến tình trạng nước giàu tích trữ thuốc trong khi nước nghèo không có nguồn cung, tương tự vấn đề với vắc xin diễn ra từ năm ngoái đến nay.

LÊ ANH