QĐND Online - Thuốc Molnupiravir, do các chuyên gia của Merk và Rigibel nghiên cứu và phát triển, đã hoàn tất 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, đạt hiệu quả 100% đối với tất cả bệnh nhân Covid-19.

Các chuyên gia dịch tễ học khắp thế giới cho rằng, SARS-CoV-2 và các biến chủng của loại virus này sẽ không biến mất hoàn toàn mà tồn tại giống như cúm mùa. Vì thế, việc phát triển các loại thuốc uống chữa Covid-19 tại nhà, giảm thiểu khả năng nhập viện cho người bệnh là rất cần thiết.

Các ứng viên tiềm năng

Molnupiravir thuộc nhóm thuốc kháng virus mang tên “chất ức chế polymerase”, hoạt động bằng cách tấn công vào một loại enzym mà virus dùng để sao chép vật liệu di truyền rồi đưa vào đó các đột biến khiến virus không thể tái tạo. Vì kháng thể tấn công protein bề mặt của virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, nên thuốc kháng virus được trông đợi sẽ chống lại được nhiều biến thể hơn.

Thuốc kháng virus Remdesivir của hãng Gilead Sciences được FDA Mỹ cấp phép điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng chứa chất ức chế polymerase, dù cách thức hoạt động cụ thể của từng thuốc khác nhau.

leftcenterrightdel
Thuốc molnupiravir dùng trong điều trị Covid-19 mà Hãng dược Merck của Đức và đối tác Mỹ Ridgeback Biotherapeutics đang nghiên cứu. Ảnh: REUTERS 

Remdesivir có điểm bất lợi là được tạo ra dưới dạng thuốc tiêm tĩnh mạch và dùng cho bệnh nhân Covid-19 đã phải nhập viện nhằm giảm thời gian điều trị. Đến lúc bệnh nhân Covid-19 trở nặng, tác hại với sức khỏe của người bệnh phần lớn do hệ miễn dịch hoạt động quá mức gây tổn hại nội tạng, chứ không phải do virus nhân bản. Đó là lý do các hãng dược như Merck tập trung tìm ra loại thuốc uống có thể dùng trong những ngày đầu mới mắc bệnh.

Mới đây, hãng dược Roche của Thụy Sĩ ngày 20-7 thông báo Nhật Bản đã phê duyệt đầy đủ thuốc tiêm tĩnh mạch Ronapreve để điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ tới trung bình.

Roche cho biết quyết định của Nhật Bản dựa trên kết quả nghiên cứu giai đoạn 3, trong đó hỗn hợp kháng thể của thuốc Ronapreve (gồm bộ đôi 2 kháng thể đơn dòng Casirivimab và Imdevimab) giúp giảm đáng kể nguy cơ phải nhập viện hoặc tử vong đến 70% ở các bệnh nhân có nguy cơ cao và không nhập viện.

Thuốc cũng rút ngắn thời gian có triệu chứng bệnh xuống còn 4 ngày. Các thử nghiệm giai đoạn 1 cho thấy thuốc an toàn và tương hợp với thể chất người Nhật Bản.

Nhật Bản là nước đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng đầy đủ với thuốc Ronaperve. Ngoài ra, thuốc này cũng đã được phê duyệt để sử dụng khẩn cấp ở Liên minh châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, Thụy Sĩ và Canada. Hiện thuốc đang được Cơ quan Dược phẩm châu Âu đánh giá lại.

Những tín hiệu đáng mừng

Đã có 5 hãng dược Ấn Độ ký hợp đồng đối tác với Merck để thử nghiệm Molnupiravir dùng cho bệnh nhân Covid-19 ngoại trú. Các công ty Cipla, Dr Reddy’s Laboratories, Sun Pharmaceutical Industries và Torrent Pharmaceuticals ký hợp đồng với Merck hồi tháng 3 và tháng 4 để sản xuất, cung cấp loại thuốc này cho thị trường Ấn Độ và hơn 100 quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Thử nghiệm được tiến hành từ tháng 6 đến tháng 9 trên 1.200 bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ khắp Ấn Độ.

Ông Levi Garraway, Giám đốc y tế và Trưởng bộ phận phát triển sản phẩm toàn cầu của hãng dược Roche (Thụy Sĩ), cho biết: Ronapreve đã được chứng minh có thể tăng tỉ lệ sống sót ở những người có nguy cơ cao, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân mắc Covid-19 không nhập viện. Thuốc có thể duy trì hoạt động chống lại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó có biến thể Delta.

Bên cạnh đó, kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 cho thấy thuốc uống chống Covid-19 mang tên AT-527 của hãng dược Roche (Thụy Sĩ) hợp tác với Atea Pharmaceuticals (Mỹ) cũng chứng tỏ tác dụng giảm lượng virus ở bệnh nhân Covid-19 đã nhập viện. Cuối tháng 6, Atea Pharmaceuticals nói rằng, AT-527 giảm lượng virus đáng kể trong máu bệnh nhân.

leftcenterrightdel
 Trụ sở Công ty Roche tại Thụy Sĩ. Ảnh: MaLay Mail

Các nhà nghiên cứu của hãng khẳng định những người uống thuốc này không còn dấu vết virus tại nhiều thời điểm kiểm tra ngẫu nhiên. Tuy nhiên, Atea Pharmaceuticals và Roche chưa chứng minh được liệu thuốc này có thể giảm nhẹ triệu chứng hoặc ngăn chặn tác hại sức khoẻ nghiêm trọng hay không. Đáp án sẽ có khi hai hãng hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 vào cuối năm nay.

Vài tuần trước, các nhà khoa học tại Viện Hóa học Việt Nam đã công bố tổng hợp thành công một thuốc kháng virus mới Favipiravir với cơ chế hoạt động tương tự như thuốc Remdesivir. Mặc dù đây mới là các kết quả ban đầu trong phòng thí nghiệm, nhưng được xem là tín hiệu đáng mừng mà các nhà khoa học nước này mang lại.

LÊ ANH