Những ngày qua, TP Cần Thơ thành “điểm nóng” của dịch Covid-19 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước khi số ca nhiễm liên tiếp vượt mốc 1.000 ca mỗi ngày. Trường hợp bệnh nhân chuyển nặng và số ca tử vong tăng nhanh. 

TP Cần Thơ đang tăng cường triển khai nhiều giải pháp, nguồn lực điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở tầng 2, tầng 3 và triển khai thêm các giải pháp điều trị F0 tầng 1.

Bệnh nhân nặng tăng cao, bệnh viện quá tải

Gần một tuần qua, số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn TP Cần Thơ tăng đột biến. Theo lãnh đạo Sở Y tế TP Cần Thơ, mặc dù các ca mắc đã tiêm vaccine hầu hết không có triệu chứng hoặc rất nhẹ, nhưng điều đáng lo hiện nay là các ca ở tầng 3 đang quá tải.

Thống kê của Sở Y tế cho thấy, tính đến ngày 7-12, số bệnh nhân nằm ở tầng 3 của TP Cần Thơ là 490 ca; trong khi khả năng điều trị chỉ đáp ứng được 330 giường. 

Bác sĩ Trần Mạnh Hồng, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ cho biết: “Bệnh viện đang có 150 giường điều trị bệnh nhân Covid-19 nhưng hiện có đến 170 bệnh nhân đang điều trị. Bệnh viện cũng đã nhận 4 tổ điều trị từ Bộ Quốc phòng tăng cường nhưng vẫn không đủ”.

 Bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Ảnh: KIM ĐIỀU

Công tác điều trị tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cũng đang trong tình trạng quá tải, đặc biệt ở tầng 3, nơi điều trị các ca bệnh nặng. Theo BS CK2 Trần Quốc Luận, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, tính đến đến ngày 7-12, bệnh viện có 367 ca Covid-19 ở tầng 2 và tầng 3; trong đó, tầng 3 và cuối tầng 2 chiếm khoảng 80%, chủ yếu là bệnh nhân có bệnh nền, cao tuổi, chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ mũi.

Lý giải về diễn biến của dịch bệnh trong những ngày qua, ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho rằng khi thành phố thực hiện mở cửa, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 thì ca F0 ở Cần Thơ tăng nhanh là điều khó tránh khỏi. “Sau hơn 4 tháng giãn cách, người dân bung ra làm ăn, mưu sinh, chưa kể Cần Thơ là trung tâm của miền Tây nên người từ các tỉnh khác đến làm ăn, khám, chữa bệnh cũng rất nhiều... Đặc biệt là càng về sau này, khi đã tiêm vaccine, nhiều người dân chủ quan, lơ là trong việc thực hiện 5K”, ông Hiển phân tích.

Kích hoạt các bệnh viện dã chiến, khu điều trị 

Trước diễn biến của dịch bệnh, TP Cần Thơ triển khai nhiều giải pháp ứng phó. Cụ thể, đối với công tác thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, thành phố đã yêu cầu tất cả các bệnh viện ở quận, huyện lắp đặt bồn oxy lỏng; đồng thời, khôi phục, kích hoạt lại một số bệnh viện dã chiến và mở rộng thêm bệnh viện dã chiến để thu dung, điều trị bệnh nhân không đủ điều kiện cách ly ở nhà. Riêng Bệnh viện dã chiến số 2 tại Trung tâm Hội chợ thành phố có quy mô 600 giường sẽ được chuyển thành Bệnh viện điều trị bệnh nhân ở tầng 3.

Về trang thiết bị và nguồn nhân lực, thành phố đã đề nghị các địa phương hỗ trợ về chuyên môn, máy móc, thiết bị y tế để giải quyết tình trạng quá tải ở các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 2, tầng 3.

Hiện tại, Cần Thơ được TP Hồ Chí Minh cho mượn 100 giường dùng cấp cứu, hồi sức và 5 máy thở xâm lấn; Bộ Y tế hỗ trợ 50 máy thở HFNC và 80 máy thở xâm lấn để bổ sung, phân bổ cho các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 ở tầng 2, tầng 3. 

Những ngày vừa qua, Bộ Quốc phòng đã cử lực lượng quân y gồm 39 y, bác sĩ, điều dưỡng tiếp sức cho Cần Thơ phòng, chống dịch. Quân khu 9 hỗ trợ thêm 5 tổ cấp cứu lưu động gồm xe cấp cứu, nhân lực, trang thiết bị. 

Bộ Y tế cũng cử ê kíp y, bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) xuống tư vấn, hỗ trợ, điều trị bệnh nhân Covid-19, đồng thời phân công Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Trường Đại học Y dược Cần Thơ hỗ trợ Cần Thơ chung tay chống dịch.

"Cùng với trang bị các điều kiện hỗ trợ cho các bệnh viện tổ chức thu dung, điều trị người bệnh ở tầng 2, tầng 3, thành phố cũng triển khai phát thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 cho các F0 ở tầng 1 (đang cách ly, điều trị tại nhà). Thành phố đã triển khai 2.000 liều thuốc điều trị Covid-19 cho người bệnh F0 sử dụng và tiếp tục xin Bộ Y tế cấp thêm 180.000 liều thuốc Molnupiravir", ông Dương Tấn Hiển cho biết.

Để khắc phục tình trạng quá tải, Cần Thơ đã nhờ hỗ trợ kết nối với Mạng lưới thầy thuốc đồng hành, đã tuyển được hơn 800 nhân viên y tế tư vấn từ xa qua điện thoại. Người bệnh tại Cần Thơ có thể gọi qua hotline 02921022, nhánh số 3 để được tư vấn hỗ trợ.

Ngoài ra, thành phố đã thành lập 58 đội cấp cứu lưu động với sự hỗ trợ nhân lực từ Trường Đại học Y dược Cần Thơ, phục vụ công tác cấp cứu, phát thuốc, hỗ trợ cho F0 tại nhà. 

THÚY AN