Gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ        

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá cho biết, hút thuốc lá điếu thông thường đã và đang gây ra gánh nặng lớn về sức khỏe, kinh tế và cần nhiều thời gian, nguồn lực để giải quyết tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nếu cho phép thuốc lá mới với thành phần nicotine thì các sản phẩm này sẽ nhanh chóng gây nghiện và làm gia tăng số người sử dụng.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là các sản phẩm mới xuất hiện trôi nổi tại Việt Nam gần 10 năm trở lại đây nhưng hệ lụy của nó đang đe dọa những thành quả bước đầu trong công cuộc phòng, chống tác hại thuốc lá ở nước ta. Thống kê cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Theo kết quả điều tra sơ bộ tại 11 tỉnh năm 2023, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nữ giới 11-18 tuổi là 4,3%.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê cũng cho biết thêm, tháng 10-2023, Bộ Y tế nhận được tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng; cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm này ở Việt Nam.

leftcenterrightdel

 Điều trị bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi thuốc lá điện tử tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: MAI THANH

Tháng 3 vừa qua, WHO tiếp tục gửi bản Khuyến nghị Quốc hội lần 2 về việc ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán thuốc lá điện tử hoặc "vape", các sản phẩm nicotine khác, bao gồm cả thuốc lá điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như quảng cáo hoặc khuyến mại các sản phẩm này tại Việt Nam”.

Gánh nặng bệnh tật

Thuốc lá điện tử và các dạng thuốc lá mới đang mở đầu cho xu hướng lạm dụng và nghiện các hóa chất nhân tạo tổng hợp, bao gồm nicotine, các loại ma túy thế hệ mới và rất nhiều hóa chất khác, không chỉ gây nên gánh nặng khổng lồ mới về y tế, kinh tế, an ninh trật tự xã hội mà còn ảnh hưởng đến giống nòi và nhiều lĩnh vực khác.

Nếu không được ngăn chặn kịp thời, nguy cơ tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotine và các chất gây nghiện khác như ma túy ở nước ta là rất cao. Mặt khác, thuốc lá điện tử tiếp tục gây gánh nặng về chi phí và bệnh tật lớn tại Việt Nam.

Thực tế cho thấy, thuốc lá điện tử và một số loại thuốc lá nung nóng mới phát sinh có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để người sử dụng tự ý trộn tăng tỷ lệ nicotine quá mức, hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào sử dụng nên khó bị phát hiện.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, chi phí điều trị cho những ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy cấp tính nhẹ đến những ca nặng tiêu tốn trung bình từ 10 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Hầu như ngày nào Trung tâm Chống độc cũng có bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử được điều trị, trong đó rất nhiều trường hợp là học sinh, thanh thiếu niên phải cấp cứu do ngộ độc chất ma túy trộn thuốc lá điện tử.

Các ca ngộ độc thuốc lá điện tử vào viện với biểu hiện co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, loạn thần, hôn mê, tổn thương não và nhiều cơ quan khác, để lại di chứng nặng nề với sức khỏe. Là một bác sĩ làm chuyên môn, hằng ngày trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc do thuốc lá điện tử, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho rằng, Việt Nam cần khẩn cấp cấm việc sản xuất, lưu hành thuốc lá điện tử, có như vậy mới phòng tránh được một loạt vấn đề khổng lồ và nghiêm trọng về sức khỏe với người dân.

Đề xuất cấm nhập khẩu, kinh doanh thuốc lá điện tử

Báo cáo của WHO cho thấy, với thuốc lá điện tử đã có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn các sản phẩm này. Trong khu vực ASEAN, đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia. Hiện có 3 quốc gia bán thuốc lá điện tử dưới dạng dược phẩm được cấp phép và thuốc kê đơn được điều trị theo phác đồ (Chile, Australia và Nhật Bản); 88 quốc gia quản lý thuốc lá điện tử (trong đó có 27 quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu).

Việc quản lý được tiến hành chặt chẽ theo các biện pháp của Công ước khung (WHO FCTC). Đối với thuốc lá nung nóng, ít nhất 18 quốc gia cấm (trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN gồm Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Brunei); 71 quốc gia quản lý thuốc lá nung nóng (trong đó 27 quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu).

Ở Việt Nam, liên quan tới thuốc lá điện tử, ngày 24-5-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, trong đó có mục tiêu “ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha, các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng".

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật PCTH của thuốc lá là rất cần thiết để quy định cấm các sản phẩm thuốc lá mới. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần nhiều thời gian, dự kiến tối thiểu 3-5 năm. Trong khi đó, thuốc lá mới là vấn đề đang rất nóng, dư luận cực kỳ quan tâm, các sản phẩm có khả năng gây nghiện nhanh, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên.

Vì thế, cần khẩn trương và sớm có biện pháp để ngăn chặn kịp thời, tránh việc có thêm nhiều người trong tương lai nghiện nicotine, nguy hại đến sức khoẻ. Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các sản phẩm thuốc lá mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ, Quốc hội để xem xét sửa đổi, bổ sung Luật PCTH của thuốc lá để bổ sung quy định này vào Luật, bảo đảm tính ổn định khi triển khai thực hiện.

DIỆP CHÂU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.