Thời gian gần đây, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh túm năm tụm ba sử dụng thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử, thậm chí cả thuốc lào. Có nhiều học sinh vừa bước chân ra khỏi cổng trường, khuất tầm nhìn của giáo viên liền nhanh tay đưa thuốc lá điện tử lên rít một hơi thật mạnh, thả khói mù mịt. Theo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, từ năm 2013 đến năm 2019, tỷ lệ hút thuốc ở thanh, thiếu niên trong nhóm tuổi 13 - 17 và 13 - 15 đã giảm. Tuy nhiên, thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ khi tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gia tăng nhanh chóng.

Theo kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng tại 11 tỉnh, thành phố trong học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 cũng cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi từ 13 - 17 tăng từ 2,6% (năm 2019) lên 8,1% (năm 2023), trong đó ở nhóm từ 13 - 15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% (năm 2022) lên 8% (năm 2023). Dù công tác kiểm soát và ngăn chặn việc sử dụng thuốc lá ở trẻ em và thanh, thiếu niên đã được triển khai, nhưng thực tế cho thấy vấn nạn này vẫn đang diễn ra phổ biến.

Các em sinh viên tham gia thi tìm hiểu về phòng, chống tác hại thuốc lá. Ảnh: BÀNG NGUYÊN PHONG

Trước những ảnh hưởng của thuốc lá tới sức khỏe trẻ em, thanh, thiếu niên, việc bảo vệ trẻ em trước tác động của ngành công nghiệp thuốc lá trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tại Việt Nam, những năm qua, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế, thực hiện trường học không khói thuốc giúp cho các em học sinh, các thầy cô giáo bảo đảm quyền được hít thở bầu không khí trong lành, tránh khỏi các tác hại nguy hiểm của khói thuốc. Trường học không khói thuốc giúp bảo vệ sức khỏe của học sinh, giáo viên và nhân viên trường khỏi các ảnh hưởng tiêu cực của thuốc lá; xây dựng môi trường học tập tốt hơn, giúp tăng cường sự tập trung, sự chú ý và sự linh hoạt tinh thần của học sinh. Đây cũng là một biện pháp hữu hiệu trong việc ngăn chặn hành vi thử hút thuốc lá của các em học sinh, giảm tỷ lệ thanh, thiếu niên hút thuốc.

Bác sĩ Phan Thị Hải, Phó giám đốc Phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá đã từng chia sẻ: “"Ngày thế giới không thuốc lá 2024 là diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới các em bằng các sản phẩm có hại cho sức khỏe, kêu gọi chính phủ các nước áp dụng các chính sách bảo vệ các em khỏi các hành vi lôi kéo sử dụng thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp thị không ngừng các sản phẩm nguy hiểm cho sức khỏe thông qua mạng xã hội và các nền tảng phát trực tuyến”.

Mặt khác, vì thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ra các tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống và sự phát triển của học sinh. Phòng chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong học đường đòi hỏi sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm giáo viên, học sinh, phụ huynh và cả cộng đồng. Ngoài ra, để phòng chống tác hại của thuốc lá trong học đường, các trường học có thể phối hợp với ngành Y tế để thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức cho học sinh, cán bộ, giáo viên về tác hại thuốc lá, thuốc lá điện tử tại các trường học và chỉ đạo xây dựng mô hình trường học không khói thuốc. Trường học có biện pháp mạnh mẽ, nghiêm khắc trong việc ngăn ngừa học sinh tiếp cận và sử dụng thuốc lá; cho học sinh ký cam kết không sử dụng thuốc lá. Treo các biển báo cấm hút thuốc lá trong khuôn viên nhà trường, môi trường làm việc không khói thuốc lá...

AN AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.