Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, hai tuần vừa qua, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 5-10 trường hợp nhập viện điều trị SXH. Điều đáng lo ngại là bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khá nặng, những triệu chứng ban đầu lại khá giống với Covid-19. PGS, TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết, số ca nhập viện rải rác từ đầu hè nhưng tăng mạnh vào cuối tháng 9 đến nay với các triệu chứng đặc trưng là sốt cao đột ngột, đau mỏi người, phát ban, hạ tiểu cầu... Bệnh nhân nhập viện do SXH có nhiều bệnh nhân nặng, tràn dịch ổ bụng, tiểu cầu hạ thấp kèm xuất huyết phải vào viện truyền khối tiểu cầu, nguyên nhân do khi đó Hà Nội đang trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, người dân lo ngại đi bệnh viện.

leftcenterrightdel
PGS, TS Đỗ Duy Cường khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: MAI THANH 

Theo tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ trong hai tuần trở lại đây, Trung tâm Bệnh nhiệt đới của bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 22 trường hợp trẻ SXH. Trong đó, đáng chú ý có bé gái H.T (9 tuổi, ở quận Long Biên, TP Hà Nội) nhập viện trong tình trạng suy tuần hoàn, viêm não, tổn thương cơ tim. Dù đã được các bác sĩ xử trí thở máy, kiểm soát suy tuần hoàn, điều trị tăng áp lực nội sọ và cân bằng nước điện giải nhưng tình trạng của bệnh nhi rất nặng, nguy cơ tử vong cao trên nền SXH. Hai ngày sau khi bé H.T nhập viện, em trai của bé (7 tuổi) cũng mắc SXH và được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội tổng quát (Trung tâm Bệnh nhiệt đới), SXH là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý phòng bệnh cho trẻ bằng cách kiểm soát môi trường sống xung quanh, bảo đảm sạch sẽ, tránh để những vật dụng tạo ra vùng nước đọng, tạo điều kiện cho muỗi sinh trưởng và phát triển; cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn... Bác sĩ Đỗ Thiện Hải cũng khuyến cáo, đối với việc dùng thuốc hạ sốt cho trẻ chỉ nên dùng thuốc hạ sốt paracetamol, không tự ý sử dụng loại khác khi không có chỉ định của bác sĩ. Nếu tình trạng bệnh có dấu hiệu nặng, phải đưa trẻ đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế, tuyệt đối không tự ý truyền dịch cho trẻ tại nhà hoặc các cơ sở y tế không đủ điều kiện, đề phòng biến chứng dẫn đến tử vong.

Theo PGS, TS Đỗ Duy Cường, SXH và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: Biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người. Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn SXH lây qua đường máu do muỗi truyền. Ngoài ra, SXH điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc Covid-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người nhiễm thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp, như: Ho, khó thở, mất khứu giác..., nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.

Các chuyên gia khuyến cáo, triệu chứng của SXH là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, mắt đỏ xung huyết, các trường hợp nặng có dấu hiệu cảnh báo xuất hiện ngày thứ 4, 5 như đau bụng vùng gan, buồn nôn, tiểu ít, chân tay lạnh, có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng, như: Xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân cần đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

Bác sĩ Trần Thu Nguyệt (Bộ Y tế) đã lưu ý việc chăm sóc bệnh nhân SXH tại nhà, hạ sốt cho bệnh nhân bằng lau mát tích cực. Khi cần hạ sốt bằng thuốc chỉ được sử dụng Paracetamol, không được dùng Aspirin hoặc Ibuprofen để hạ sốt. Cho bệnh nhân ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, không dùng thức ăn, nước uống có màu đen, đỏ, nâu. Bệnh nhân SXH do sốt cao, ăn uống kém, cần uống nhiều nước từ trái cây, sữa để cung cấp thêm vitamin, chất khoáng, năng lượng. Đồng thời lưu ý tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc ngay khi có dấu hiệu trở nặng.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh SXH, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu giám đốc các bệnh viện trực thuộc bộ; giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố; thủ trưởng y tế các bộ, ngành căn cứ tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn để bố trí cơ sở khám, chữa bệnh; bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 và công tác khám, chữa bệnh thông thường; đặc biệt là dịch bệnh SXH Dengue đang có chiều hướng gia tăng theo các mô hình phù hợp.

DIỆP CHÂU