Số ca nhiễm mới, số chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm. Các hoạt động giao thương, đi lại của người dân trong dịp Tết cơ bản diễn ra thuận lợi. Đây là dấu hiệu tích cực trong công tác kiểm soát PCD thời gian tới, tạo điều kiện cho kinh tế-xã hội phục hồi mạnh mẽ.
Ngày 6-2, Bộ Y tế thông tin, trong ngày ghi nhận 14.112 ca nhiễm mới, trong đó 7 ca nhập cảnh và 14.105 ca trong nước (tăng 1.945 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố (có 8.595 ca trong cộng đồng); 6.802 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh nâng tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi lên 2.112.715 ca; 2.203 bệnh nhân nặng đang điều trị; 63 ca tử vong.
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước; công tác PCD từng bước đạt những kết quả khả quan. Số ca nhiễm mới, số chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm. Các hoạt động giao thương, đi lại của người dân trong dịp Tết cơ bản diễn ra thuận lợi. Đây là dấu hiệu tích cực trong công tác kiểm soát PCD thời gian tới, tạo điều kiện cho kinh tế-xã hội phục hồi mạnh mẽ. Các dịch bệnh khác đang được kiểm soát tốt.
 |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Ảnh: TRẦN MINH. |
Tuy nhiên, việc cả nước đang dần mở cửa lại các hoạt động, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến chủng Omicron. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cảnh báo nếu không kiểm soát, số ca nhiễm tăng quá mức, sẽ tăng ca nặng, gây quá tải hệ thống y tế dẫn đến nhiều trường hợp tử vong ngoài ý muốn. Tiếp tục giám sát, quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh để bảo đảm an toàn PCD. Cập nhật, tổ chức triển khai các hướng dẫn PCD, chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19 của Bộ Y tế.
Đánh giá công tác PCD Covid-19 đang từng bước có những kết quả hết sức khả quan, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, quan trọng nhất hiện nay là Việt Nam đã tăng được độ bao phủ vaccine ngừa Covid-19 ở mức độ rất cao và là một trong những nước thuộc tốp đầu thế giới về bao phủ vaccine. Đây là một trong những chìa khóa then chốt để đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường. Bộ Y tế cũng đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine xuyên Tết và tiêm cho tất cả mọi người khi đến lịch tiêm. Tất cả người dân khi về quê ăn Tết có thể đăng ký tiêm ngay.
Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến ngày 6-2, cả nước đã tiêm tổng cộng 182.180.300 liều vaccine ngừa Covid-19. Hiện 52/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 11/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 82% đến dưới 90%.
Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội tiếp tục nâng mức cảnh giác cao nhất đối với dịch Covid-19, đặc biệt đối với biến chủng mới Omicron, huy động toàn thể hệ thống chính trị tham gia công tác PCD ngay từ những ngày đầu năm 2022, không được chủ quan, lơ là trong công tác PCD, coi công tác PCD Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó chú trọng tập trung đẩy mạnh Chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 thần tốc mùa Xuân năm 2022; rà soát, tiêm vét các đối tượng nguy cơ cao, không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vaccine; bảo đảm an toàn tiêm chủng.
Về tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế đang tích cực chuẩn bị tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi và sẽ triển khai theo khuyến cáo về mặt khoa học bảo đảm an toàn, hiệu quả, thận trọng từng bước và đặt an toàn lên hàng đầu...
Chính phủ cũng vừa quyết nghị đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi với các điều kiện như Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18-5-2021 của Chính phủ về mua vaccine phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer. Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 6 ngày Tết Nguyên đán (từ 29 Tết đến mồng 5 Tết) các cơ sở y tế trên cả nước đã đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 8.119 trẻ chào đời. 6 ngày nghỉ Tết đã có 24.588 ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, giảm 8,9% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Cả nước ghi nhận 1.556 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, ít hơn 26 ca so với cùng kỳ năm 2021; 2.838 ca cấp cứu do tai nạn đánh nhau, chiếm 2% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, 1.245 ca phải nhập viện điều trị/theo dõi và đã có 195 trường hợp tử vong. Cả nước có tổng cộng 12.364 trường hợp khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt, lao động, chiếm 8,4% trong tổng số khám, cấp cứu bệnh viện, trong đó 527 trường hợp đã tử vong.
DIỆP CHÂU