Chiều 30-10, tại Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế cho biết, trong tháng 11 và 12 tới đây, ngành y tế sẽ triển khai tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3 cho một số trường hợp có nguy cơ cao và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ngoài việc thực hiện tiêm mũi 3 cho nhóm người có nguy cơ cao và lực lượng tuyến đầu, thành phố sẽ tiếp tục tiêm vét mũi 1, mũi 2 cho người trên 18 tuổi.
Trong khi đó, tại Hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, ngành y tế Thủ đô đang xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi; đồng thời sẵn sàng xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin nhắc lại mũi 3 và mũi 4.
 |
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh: Bộ Y tế |
Theo nhà sản xuất vắc xin Pfizer (Mỹ) đã đưa ra, tiêm liều vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech thứ 3 giúp tăng mức bảo vệ trước biến thể Delta. Theo đó, mức độ kháng thể chống lại biến thể Delta tăng gấp 5 lần ở người 18 - 55 tuổi được tiêm nhắc lại. Trong khi đó, ở người 65 - 85 tuổi, mức độ kháng thể sau khi tiêm liều vắc xin thứ 3 tăng gấp 11 lần so với sau khi tiêm liều thứ 2.
Giám đốc điều hành (CEO) của Pfizer, ông Albert Bourla cho rằng, hiệu quả của vắc xin mạnh nhất ở mức 96,2% trong 1 tuần đến 2 tháng sau khi tiêm liều thứ hai. Sau đó giảm xuống chỉ còn 83,7%. Sau mỗi hai tháng, con số này giảm trung bình 6%. Kết quả này có được sau khi Pfizer/BioNTech nghiên cứu hơn 44.000 người trên khắp nước Mỹ và các quốc gia khác.
Pfizer cũng đưa ra khuyến nghị tiêm liều thứ 3 dựa trên các nghiên cứu ở Israel, đất nước đã tiêm 2 liều cho gần 60% dân số bằng vắc xin Pfizer/BioNTech, theo The New York Times.
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên trang web Medrxiv.org, khả năng miễn dịch trước virus SARS-CoV-2 sẽ tăng lên đáng kể nếu như tiêm mũi thứ 3 vắc xin ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Sinovac (Trung Quốc) cách mũi thứ 2 từ 6 tháng trở lên. Nghiên cứu trên cũng phù hợp với các nghiên cứu gần đây đối với vắc xin ngừa Covid-19 do hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh) điều chế. Vào tháng 6-2021, các nhà nghiên cứu Anh đã công bố kết quả nghiên cứu lâm sàng trên tình nguyện viên cho thấy tiêm liều thứ 3 vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford có thể giúp tăng nồng độ kháng thể trong cơ thể tình nguyện viên. Đây được xem là dấu hiệu tích cực cho thấy liều thứ 3 vắc xin AstraZeneca sẽ mang lại mức bảo vệ đáng kể nếu hiệu quả của hai liều đầu tiên giảm dần theo thời gian.
Trước đó, tờ The Moscow Times ngày 5-5 dẫn lời nhà khoa học Nga Alexander Ryzhikov thuộc Viện Vector, nơi phát triển vaccine Covid-19 EpiVacCorona, cho biết, việc tiêm thử nghiệm mũi vắc xin thứ 3 trên động vật đã giúp tăng cường hiệu quả cũng như thời gian miễn dịch với virus SARS-CoV-2. Các thử nghiệm lâm sàng việc tiêm 3 mũi vaccine Covid-19 trên người giai đoạn thứ nhất và thứ hai đang được tiến hành. Ông Ryzhikov nhấn mạnh việc tiêm 3 mũi vắc xin không kéo theo tác hại nào.
Như vậy có thể thấy qua các nghiên cứu, hiệu quả phòng bệnh của các loại vắc xin sẽ giảm dần theo thời gian. Đây chính là lý do để giới khoa học một số nước khuyến cáo về việc tiêm thêm mũi thứ 3 để tăng cường mạnh mẽ khả năng của cơ thể chống lại loại virus nguy hiểm gây dịch Covid-19.
QUỐC HOÀN